Ngành công nghiệp bán lẻ ô tô trị giá hơn 1.200 tỷ USD tại Mỹ chao đảo vì các cuộc tấn công mạng
Hàng nghìn nhà bán lẻ ô tô tại Mỹ đang khốn đốn vì hệ thống phần mềm ngừng hoạt động.
Một đại lý ở Phoenix đang phải viết tay các hợp đồng giấy và đánh giá khả năng tín dụng bằng cách đoán mò. Một chủ xe Jeep ở Alabama liên tục gọi điện hỏi khi nào phụ tùng thay thế sẽ có hàng. Một gia đình ở New Jersey đang chờ thông báo về thời điểm họ có thể nhận chiếc Audi mới.
Đó là thực tế mà các nhà bán lẻ ô tô và khách hàng trên khắp nước Mỹ và Canada đang phải đối mặt kể từ khi CDK Global - nhà cung cấp phần mềm cho khoảng 15.000 đại lý - bị tê liệt bởi các cuộc tấn công mạng bắt đầu từ ngày 19/6.
Cliff Steinhauer, một quan chức của Liên minh An ninh mạng Quốc gia Mỹ cho biết, việc ngừng hoạt động ảnh hưởng đến hệ thống quản lý đại lý của CDK, hệ thống được sử dụng để hoàn tất các giao dịch, theo dõi lợi nhuận của cửa hàng và giám sát việc trả lương cho nhân viên, đã “làm chậm đáng kể” ngành bán lẻ ôtô.
Sau sự cố, vào ngày 19/9, CDK đã cảnh báo rằng một sự cố thứ hai có thể khiến hệ thống của họ ngừng hoạt động thêm vài ngày nữa.
Các cuộc tấn công đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một ngành công nghiệp có doanh số bán hàng hơn 1.200 tỷ USD (tính riêng năm 2023) và đang trong giai đoạn đẩy mạnh bán hàng cuối quý. Sản phẩm chính của CDK - một bộ công cụ phần mềm được gọi là hệ thống quản lý đại lý, hay DMS - là nền tảng cho hầu hết mọi hoạt động kinh doanh hàng ngày của các nhà bán lẻ ô tô.
"Hiện tại mọi thứ đang hỗn loạn", Diana Lee, Giám đốc điều hành của Constellation, một công ty truyền thông xã hội làm việc với các đại lý ô tô trên khắp Mỹ, nói trên Bloomberg Television.
"Các đại lý buộc phải sử dụng DMS cho mọi hoạt động - bán hàng, dịch vụ, phụ tùng - thậm chí để nhập kho một chiếc xe, bạn không thể làm được nếu không có hệ thống DMS. Vì vậy đây là một thảm họa".
CDK chưa tiết lộ ai hoặc tổ chức nào đứng sau vụ xâm nhập, song họ đã đưa ra cảnh báo cho khách hàng vào tối ngày 19/9 rằng có người đang liên hệ với khách hàng và cố gắng lợi dụng tình hình hỗn loạn.
"Chúng tôi biết rằng có những kẻ xấu đang liên hệ với khách hàng của chúng tôi, giả mạo là thành viên hoặc đối tác của CDK, cố gắng có được quyền truy cập vào hệ thống", công ty cho biết.
"Nhân viên CDK không liên hệ với khách hàng để yêu cầu truy cập vào môi trường hoặc hệ thống của họ. Vui lòng chỉ phản hồi với những nhân viên CDK đã biết và các kênh liên lạc chính thức".
Chỉ có một số ít công ty như CDK mà các đại lý có thể lựa chọn sau nhiều thập kỷ hợp nhất trong lĩnh vực này của ngành bán lẻ ô tô. Kết quả là hàng nghìn cửa hàng phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ của công ty để sắp xếp tài chính và bảo hiểm, quản lý hàng tồn kho xe và phụ tùng, cũng như hoàn tất việc bán hàng và sửa chữa.
Cổ phiếu công ty mẹ của CDK, Brookfield Business Partners LP, đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10 - giảm 5,7% vào ngày 19/9 - và tiếp tục giảm vào hôm sau đó. Cổ phiếu của các tập đoàn đại lý AutoNation Inc., Group 1 Automotive Inc. và Sonic Automotive Inc. cũng sụt giảm.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của CDK là The Reynolds and Reynolds Co. cho biết họ đang tìm kiếm những việc có thể làm "nhanh chóng" cho các đại lý bị ảnh hưởng.
"Ngành công nghiệp của chúng ta đang bị tấn công", Christopher Walsh, chủ tịch công ty, nói trong một bình luận đăng trên LinkedIn.
"Tác động của việc này vượt xa CDK - nó đang gây tổn hại cho nhiều đại lý và người tiêu dùng khi chúng ta bước vào đỉnh điểm mùa hè."
Đại diện của General Motors, Ford, Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW xác nhận một số đại lý của họ sử dụng CDK và cho biết họ đang làm việc với những đại lý bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn. Các hãng xe khác chưa phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận.
Alex Padron, một quản lý bán hàng tại một đại lý Nissan ở Phoenix cho biết rằng, công việc kinh doanh "gần như đã dừng lại" vàongày 19/9. Tất cả những người đã mua xe từ cửa hàng kể từ năm 2014 - khi họ bắt đầu sử dụng phần mềm của CDK - đều có dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống, anh nói.