Ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới xoay sở ra sao thời COVID-19?

Kể từ đầu năm 2020, công chúng không ngừng băn khoăn, liệu trải nghiệm đi xem phim có sống sót sau đại dịch?

Điện ảnh Hoa Kỳ đang bị đe dọa nghiêm trọng

Theo các chuyên gia trong ngành, hầu hết người hâm mộ điện ảnh đều gắn bó với rạp chiếu phim từ thời thơ ấu và họ sẽ quay lại thói quen này ngay khi cảm nhận được sự an toàn. Eric Schiffer, giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của Tổ chức Tư vấn quản lý danh tiếng cho biết: ‘Các rạp chiếu phim tại Hoa Kỳ đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện, gây ra cho họ một mức độ nguy hiểm về tài chính’.

COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đã được thực hiện trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ phim.

Theo PricewaterhouseCoopers, doanh thu rạp chiếu phim sẽ giảm mạnh nhất trong ít nhất 21 năm. Đại diện của PwC nói với MarketWatch: ‘Điện ảnh đã đạt được thành công nhất định trong năm nay, và chúng tôi không dự báo doanh thu cho đến sau năm 2024. Nhưng điều đó không có nghĩa là rạp chiếu phim sẽ không phải đối mặt với một cấp độ cạnh tranh mới từ các lựa chọn giải trí tại nhà. Những cải tiến như AR và VR cộng với hiệu suất mạnh mẽ của dòng phim phát hành trực tiếp đến người tiêu dùng đang thách thức ngành điện ảnh truyền thống’.

Thực tế, ngành điện ảnh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo PwC, ngành kinh doanh giải trí và truyền thông toàn cầu này trị giá 2,1 nghìn tỷ USD, đã giảm 5,6% - tương đương 117,6 tỷ USD - chỉ trong năm 2020. Doanh thu dự kiến sẽ tiếp tục giảm vào năm 2021.

Trong nhiều tháng, các công ty đã phải chịu đựng hậu quả từ việc đóng cửa các rạp chiếu. AMC Entertainment Inc. US: AMC, nhà điều hành rạp chiếu phim lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng họ có thể hết tiền mặt vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Cinemex Holdings USA, nhà điều hành của CMX Cinemas có trụ sở tại Miami, đã nộp đơn xin phá sản cách đây không lâu.

Tim Richards, người đứng đầu chuỗi rạp chiếu phim Vue International cho biết, nhu cầu vẫn còn, nhưng không có bộ phim lớn nào được công chiếu để khán giả xem, sau khi bộ phim mới nhất về James Bond - No Time to Die - bị trì hoãn lần thứ hai. ‘Vấn đề lúc này là chúng tôi không có phim và đây là một cú đánh lớn đối với chúng tôi’, Tim Richards nói với BBC Radio.

COVID-19 là cú đánh lớn đối với ngành công nghiệp điện ảnh.

Gói cứu trợ nào dành cho ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ?

Giống như các ngành công nghiệp khác, các tập đoàn điện ảnh tại Hoa Kỳ đã yêu cầu Quốc hội cấp quỹ cứu trợ. Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ, Hiệp hội Quốc gia các chủ rạp hát và Hiệp hội Điện ảnh trong một lá thư chung gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội đã cảnh báo rằng, nếu không có viện trợ, ‘các rạp chiếu phim yêu quý của đất nước chúng ta’ có thể chết.

‘Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, 69% các công ty rạp chiếu phim vừa và nhỏ sẽ buộc phải nộp đơn phá sản hoặc đóng cửa vĩnh viễn, 66% việc làm tại các rạp chiếu phim sẽ bị mất. Đất nước chúng ta không thể để mất giá trị xã hội, kinh tế và văn hóa mà các nhà hát cung cấp’, bức thư bày tỏ.

‘Điều đó sẽ không xảy ra. Việc cứu trợ cho các rạp chiếu sẽ bị coi là không phù hợp. Thay vào đó, họ sẽ phải đối mặt với tử thần và phải chấp nhận điều đó. Đây không phải là màn kết của điện ảnh, nhưng sẽ rất tàn khốc’, Schiffer nói.

Phá sản là một công cụ có thể giúp các chủ rạp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của họ.

Steve Spitzer, giám đốc điều hành của công ty tái cấu trúc AlixPartners, đồng ý rằng một gói cứu trợ là một nỗ lực dài. Tuy nhiên, có những cách mà các rạp chiếu phim có thể tạo ra một dòng tiền đều đặn. Ông nói: ‘Các rạp chiếu phim có thể thay đổi mô hình của họ sang dịch vụ thuê bao và yêu cầu khách hàng giúp họ thu hẹp khoảng cách tài chính trong thời gian ngắn. Các rạp chiếu có thể khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền hôm nay để đảm bảo rằng họ có mặt ở đó vào ngày mai. Có thể là khách hàng không nhận được lợi ích ngay bây giờ, nhưng dịch vụ sẽ được đảm bảo có trong tương lai và họ sẽ được giảm giá’.

Theo báo cáo của New York Times, các rạp chiếu phim tư nhân nhỏ hơn ở Thành phố New York đã thực hiện chính xác điều đó với một số thành công nhất định. Một số khác đã cung cấp phim để phát trực tuyến trên trang web của họ như một cách để duy trì sự tương tác với khách hàng.

Không phải rạp chiếu phim nào cũng tránh được phá sản. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ ngừng kinh doanh. Spitzer nói: ‘Phá sản là một công cụ có thể giúp các chủ rạp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của họ theo cách thiết lập lại cấu trúc vốn và trở nên hiệu quả hơn’.

Ngoài ra, một số công ty công nghệ với các dịch vụ hàng đầu có thể đủ khả năng thúc đẩy sự đổi mới trong trải nghiệm rạp chiếu phim và là ‘những người mua lại tiềm năng của các chuỗi rạp chiếu phim cũ’.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thủy Kiều

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nganh-cong-nghiep-dien-anh-lon-nhat-the-gioi-xoay-so-ra-sao-thoi-covid-19-16921100918330421.htm