Ngành công nghiệp điện tử phải đối mặt với giá đất hiếm tăng vọt

Các nhà sản xuất phần cứng điện tử lo lắng giá kim loại đất hiếm tăng cao trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt và những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Max Hsiao, quản lý cấp cao của một nhà sản xuất linh kiện âm thanh có trụ sở tại Đông Hoản, Trung Quốc chia sẻ, phía công ty đang gặp vấn đề từ việc tăng giá của một hợp kim từ tính được gọi là praseodymium neodymium.

Giá kim loại mà công ty của Hsiao sử dụng để lắp ráp loa cho Amazon và nhà sản xuất máy tính xách tay Lenovo đã tăng gấp đôi kể từ tháng 6 năm ngoái lên khoảng 760.000 nhân dân tệ, tương đương 117.300 USD/ tấn vào tháng 8 năm nay.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh từ khai thác, tinh chế đến chế biến. (Nguồn: Reuters)

Ông Hsiao cho biết: “Chi phí gia tăng của loại vật liệu từ tính quan trọng này đã khiến biên lợi nhuận gộp của chúng tôi giảm ít nhất 20 phần trăm, và tôi không nghĩ xu hướng này sẽ sớm đảo chiều".

Praseodymium và neodymium thuộc về một nhóm kim loại được gọi là nguyên tố đất hiếm và được sử dụng để chế tạo nam châm neodymium - sắt - boron (NdFeB). Những nam châm vĩnh cửu này rất cần thiết cho một loạt các thiết bị công nghệ - từ loa và động cơ xe điện đến các thiết bị y tế và đạn dược chính xác.

Nhu cầu về đất hiếm đã tăng mạnh do được sử dụng ngày càng nhiều trong các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả ngành công nghiệp xe điện đang bùng nổ, cùng lúc với bối cảnh phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu về thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị thế giới đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh từ khai thác, tinh chế đến chế biến. Theo chuyên gia nghiên cứu hàng hóa Roskill, tính đến năm ngoái, nước này kiểm soát 55% năng lực sản xuất toàn cầu và 85% sản lượng tinh chế các nguyên tố đất hiếm.

Vào tháng 1/2021, phía Bắc Kinh có động thái sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu, làm tăng giá mặt hàng này.

Theo báo cáo của thị trường kim loại Thượng Hải, các nguyên tố đất hiếm như neodymium oxide - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho động cơ và tuabin gió đã tăng 21,1% kể từ đầu năm. Trong khi holmium, cũng được sử dụng trong nam châm và hợp kim từ tính cho thiết bị cảm biến và thiết bị truyền động đã tăng gần 50 % trong năm 2021.

Trước đây, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quyền kiểm soát đất hiếm vì mục đích ngoại giao, cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2010 và 2011 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 6 cho biết: “Hải quan Trung Quốc đã khiến giá đất hiếm tăng theo cấp số nhân”.

Trong khi đó, giá các kim loại thường như thiếc, đồng, nhôm và thép cũng tăng đáng kể từ năm ngoái. Với việc Bắc Kinh và Washington tiếp tục cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ, các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát nguồn cung cấp đất hiếm và các kim loại khác có thể tạo cho nước này một cách để đẩy lùi sức ép của Mỹ.

Angela Chang, nhà phân tích của Trung tâm Chiến lược Quốc tế Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ (ISTI) tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp cho biết: "Trung Quốc có ưu thế về thống trị sản xuất và tinh chế các vật liệu đất hiếm quan trọng trên toàn cầu, và họ cũng kiểm soát một số kim loại quan trọng khác, tất cả đều cần thiết để chế tạo không chỉ các thiết bị dân dụng và công nghiệp mà còn cả thiết bị quân sự và hàng không vũ trụ”.

"Lợi thế của Trung Quốc đã trở thành con bài mặc cả quan trọng để Bắc Kinh đàm phán với Washington". Chuyên gia cũng chia sẻ căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường có thể sẽ đẩy giá các nguyên liệu chủ chốt lên cao hơn trong dài hạn.

Những người đầu tiên chịu tác động của việc tăng giá như vậy là các nhà sản xuất linh kiện điện tử nhỏ và vừa, vì họ không có khả năng chuyển tất cả các chi phí cho khách hàng toàn cầu của họ, như cách làm của HP, Dell, Apple và Samsung, cũng như các nhà sản xuất ô tô lớn .

Ngay cả khi không có yếu tố chính trị, việc áp dụng ngày càng nhiều các sản phẩm và công nghệ mới như phương tiện thông minh và 5G có thể khiến giá đất hiếm và các nguyên liệu thô khác duy trì ở mức cao.

Xe điện trong tương lai cũng sẽ tiêu thụ nhiều vật liệu đất hiếm hơn, bao gồm praseodymium và neodymium và những kim loại khác. Việc tăng giá của tất cả các loại vật liệu chính cơ bản trở thành một điều bình thường mới trong tương lai.

Steve Lin, Chủ tịch Auras Technology, nhà cung cấp giải pháp nhiệt hàng đầu cho Apple, Dell, Facebook và Amazon cho biết, giá nguyên liệu thô như đồng tăng cao, đã đẩy tỉ suất lợi nhuận gộp của công ty ông xuống khoảng 18% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn mức trung bình 20% của công ty.

Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường khai thác và chế biến kim loại đất hiếm trên toàn cầu. (Nguồn: Getty)

Ông Lin chia sẻ với các nhà đầu tư: "Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với khách hàng của mình và một số đã đồng ý gánh giúp một phần chi phí cho nguyên vật liệu. Chúng tôi hi vọng mức lợi nhuận có thể quay lại mức 20% tính đến hết năm nay”.

Synergy ScienTech, một nhà sản xuất pin có trụ sở tại Tân Trúc chuyên cung cấp cho Apple, Logitech và Sennheiser, cũng nhận thấy sự gia tăng của chi phí vật liệu là một mối quan tâm ngày càng nặng nề. Công ty hiện sử dụng coban và lithium để sản xuất sản phẩm pin.

"Trung Quốc kiểm soát phần lớn nguyên liệu và chúng tôi chủ yếu mua những nguyên liệu thô này từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Chúng tôi giám sát giá nguyên vật liệu rất chặt chẽ, nhưng hiện vấn đề này đã trở thành gánh nặng ngày càng tăng cho doanh nghiệp như chúng tôi", một giám đốc điều hành của Synergy cho biết.

Nguyễn Luận (Theo Asia Nikkei)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-cong-nghiep-dien-tu-phai-doi-mat-voi-gia-dat-hiem-tang-vot-59693.html