Ngành công nghiệp giả mạo ngôi sao tại Trung Quốc

Trung bình một người đóng giả các nghệ sĩ nổi tiếng có thể kiếm được hơn 77.000 USD/năm. Do đó, nhiều người sẵn sàng phẫu thuật thẩm mỹ để bước chân vào công việc nhẹ nhàng này.

QQ đưa tin chương trình Gương mặt thân quen bản Trung (có tên khác là Bách biên đại ca tú) những năm gần đây được yêu thích tại Trung Quốc. Không chỉ dừng lại trên show giải trí, giờ đây ngành công nghiệp đóng giả các ngôi sao còn thu lợi nhuận khổng lồ cả cho các doanh nghiệp và người thể hiện.

Ngành công nghiệp hút tiền

Theo QQ, muốn bước vào ngành bắt chước các ngôi sao, trước hết phải có khuôn mặt giống người nổi tiếng. Nếu như không có điều kiện tự nhiên là lớn lên giống một nghệ sĩ nào đó, công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu của họ.

"Bản sao của Phạm Băng Băng", Hà Thừa Hy có chồng cũ là Dư Tiểu Tuyền vốn là bác sĩ thẩm mỹ. Nhờ thành công của Hà Thừa Hy, việc kinh doanh của Dư Tiểu Tuyền rất phát đạt. Trả lời phỏng vấn, anh cho biết từng giúp các cô gái "sao chép" thành công hàng chục gương mặt nổi tiếng, trong đó được yêu thích nhất là "bản sao Lý Gia Hân". Doanh thu hàng năm của cơ sở thẩm mỹ do Dư Tiểu Tuyền sở hữu lên tới 30 triệu NDT (4,6 triệu USD).

 Hà Thừa Hy kiếm bộn tiền nhờ giống Phạm Băng Băng.

Hà Thừa Hy kiếm bộn tiền nhờ giống Phạm Băng Băng.

Bản thân Hà Thừa Hy cũng là sản phẩm của công nghệ dao kéo. Theo đó, vì hâm mộ nữ minh tinh họ Phạm, từ năm 15 tuổi cô đã bắt đầu phẫu thuật thẩm mỹ. Sau 8 năm dao kéo, sao nữ sở hữu vẻ ngoài giống thần tượng của mình.

Sau khi nổi tiếng với danh xưng "bản sao của Phạm Băng Băng", cô trở thành "ngôi sao livestream", được các nhãn hàng ưu ái với nhiều hợp đồng quảng cáo từ cao cấp đến bình dân.

Theo HK01, trung bình hàng tháng nữ nghệ sĩ kiếm được 450.000-500.000 USD, chưa tính quà tặng từ fan và hoa hồng của các thương hiệu. Một năm, cô có thể bỏ túi vài triệu USD.

Theo QQ, các chương trình đóng giả ngôi sao xuất hiện trên màn hình nhỏ Trung Quốc từ những năm 1999 như Siêu giả, Gương mặt siêu sao, Mở cửa... Trong đó, các nghệ sĩ sẽ đóng giả các ngôi sao khác để biểu diễn, hoặc mời người có ngoại hình giống với ngôi sao để khán giả phân biệt thật giả.

Sau khi mạng xã hội và công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ phát triển, những phiên bản bắt chước có nhiều không gian để hoạt động hơn như trên các mạng video Douyin, Bilibili,...

Các chương trình dạng Gương mặt thân quen được yêu thích tại Trung Quốc, giúp các "nghệ sĩ nhái" được biết đến nhiều hơn.

Các chương trình dạng Gương mặt thân quen được yêu thích tại Trung Quốc, giúp các "nghệ sĩ nhái" được biết đến nhiều hơn.

Tại đây, khán giả dễ dàng bắt gặp bản sao của Thành Long, Lý Tiểu Long, Mai Diễm Phương, Châu Nhuận Phát, Dương Dương, Dịch Dương Thiên Tỉ, Thái Từ Khôn, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch...

Thậm chí, một phiên bản bắt chước Châu Kiệt Luân có tên "Ung Kiệt Luân" có tới hơn 2 triệu người hâm mộ, thường xuyên có các màn tương tác với bản sao của Tạ Đình Phong. Họ còn tự tổ chức China Got Talent Show trên các nền tảng video.

Trang này cho biết thêm một người chuyên bắt chước tỷ phú Mã Vân rất nổi tiếng tại Trung Quốc, mỗi buổi livestream của anh thu hút tới hơn 10 triệu lượt xem, còn cao hơn nhiều ngôi sao hạng B trong giới giải trí Hoa ngữ.

Sau khi tích lũy được danh tiếng và lượng người theo dõi nhất định, họ sẽ tham gia các buổi biểu diễn thương mại, chương trình giải trí, khai trương cửa hàng, tham dự lễ cưới...

Ung Kiệt Luân tham gia livestream quảng cáo đủ mọi mặt hàng từ máy xay thịt, hoa quả, tủ kính. Do lượng người xem có thể lên tới hàng triệu khán giả, doanh thu trong các buổi bán hàng của anh rất khả quan. Ngoài ra, người đóng giả Triệu Lệ Dĩnh cũng thu hút hàng triệu người theo dõi mỗi lần quảng cáo sản phẩm.

Ung Kiệt Luân, bản sao Tạ Đình Phong, bản nhái Triệu Lệ Dĩnh có hàng triệu người theo dõi khi livestream.

Ung Kiệt Luân, bản sao Tạ Đình Phong, bản nhái Triệu Lệ Dĩnh có hàng triệu người theo dõi khi livestream.

Bên cạnh đó, những "bản sao" còn nhận được hợp đồng quảng cáo trị giá khoảng 50.000-70.000 NDT (7.700-10.000 USD) trên mỗi quảng cáo với hợp đồng trong 2 năm. Theo điều tra của QQ, một người giả mạo có tiếng tăm có thể nhận được 20 chương trình quảng cáo mỗi tháng, nhờ đó thu về 250.000 NDT (38.000 USD/tháng).

QQ cho biết năm 2013, một người đóng giả cố nghệ sĩ Mai Diễm Phương đã có mức cát-xê 1 triệu NDT. Hiện tại, bản sao của MC Uông Hàm thu nhập 4-5 triệu NDT/năm.

Nguồn tin chia sẻ nếu như mời một ngôi sao thực thụ có tiếng tăm tham dự sự kiện, cát-xê phải trả lên tới hàng trăm nghìn đến hàng triệu NDT. Tuy nhiên, giá của "ngôi sao giả" chỉ khoảng 7.000-8.000 NDT, càng giống phiên bản thật, mức lương nhận được sẽ càng cao, khoảng 10.000 NDT (1.500 USD).

Bắt chước người nổi tiếng trở thành ngành kiếm tiền dễ dàng.

Bắt chước người nổi tiếng trở thành ngành kiếm tiền dễ dàng.

QQ bình luận "sao nhái" chạy theo con đường lợi nhuận nhỏ, với những chương trình có quy mô không lớn, song công việc của họ đều đặn, mức thu nhập cao hơn người bình thường, thậm chí không kém các ngôi sao hạng 2,3 trong giới giải trí Hoa ngữ. Đối với các nhà kinh doanh, người nổi tiếng giả mạo góp phần tiết kiệm chi phí hơn.

Hiện tại, có hai công ty sở hữu nhiều "bản sao" nhất là Star Gang và Đoàn nghệ thuật ngôi sao giả Trung Hoa. Star Gang được tung hô là Đội bắt chước số 1 Trung Quốc, ông chủ là một người chuyên đóng giả nam diễn viên Cát Ưu, quản lý là người nhái theo MC nổi tiếng Uông Hàm.

Ngoài ra, nếu các "ngôi sao đạo nhái" này bỏ nghề, những tài khoản mạng của họ cũng bán được giá tốt, trung bình cứ khoảng 10.000 theo dõi sẽ nhận được số tiền là 700 NDT.

Những hệ lụy

Theo QQ, đóng giả người nổi tiếng nhằm thực hiện các hành vi kinh doanh phần nào ảnh hưởng tới công việc, thu nhập và danh tiếng của phiên bản gốc.

QQ cho biết một số nhân vật giả mạo được yêu cầu phối hợp để đóng giả scandal, hủy hoại danh tiếng của nghệ sĩ nổi tiếng, mà dễ thấy nhất là scandal tình ái.

Năm 2015, một người chuyên đóng giả Uông Phong đã tổ chức buổi biểu diễn, sử dụng chính tên thật của nam ca sĩ để quảng bá. Uông Phong sau đó tức giận kiện người này xâm phạm bản quyền, phải bồi thường anh 500.000 NDT. Tuy nhiên, bản sao này chỉ lên mạng nói không phải lỗi của tôi, sau đó xin lỗi Uông Phong và khóa tài khoản.

Nhiều người giả mạo Châu Kiệt Luân, Uông Phong để mở buổi biểu diễn.

Nhiều người giả mạo Châu Kiệt Luân, Uông Phong để mở buổi biểu diễn.

Một người giả mạo ca sĩ Lâm Tuấn Kiệt cũng lợi dụng danh tiếng nam ca sĩ để lừa dối khán giả, khiến tài tử Đài Loan tức giận. Nữ ca sĩ Hàn Hồng từng chia sẻ: "Mô phỏng người nổi tiếng, chúng tôi có thể hiểu được, vì ai cũng cần ăn, cần kiếm sống. Tuy nhiên, không thể vì thế mà dùng cái tên 'Lâm Tuấn Kiệt" để lừa dối công chúng".

Theo Lâm Tuấn Kiệt, họ đã sớm phát hiện có người lợi dụng tên tuổi mình, song, khó có thể đưa ra pháp luật vì những người này lách luật bằng cách chỉnh sửa tên tuổi một cách tinh vi như "Ánh Trăng Ngũ Bách", "Tiểu Lâm Tuấn Kiệt".

Tuy nhiên, trong quá trình quảng cáo, họ che bớt những chữ "Ánh Trăng", "Tiểu" đi. Khi lên sân khấu, những người giả mạo trực tiếp giới thiệu là nghệ sĩ nổi tiếng, nếu không có ai phát hiện, họ sẽ không đính chính.

 Lâm Tuấn Kiệt từng tức giận muốn kiện "bản sao".

Lâm Tuấn Kiệt từng tức giận muốn kiện "bản sao".

Luật sư Chu Tuấn chia sẻ: "Nếu các nhân vật bắt chước chỉ dựa vào đặc thù cá nhân và không sử dụng đích danh tên tuổi của nghệ sĩ nổi tiếng, rất khó để cấu thành tội xâm phạm danh quyền. Thứ hai, phẫu thuật thẩm mỹ giống người nổi tiếng, cũng không bị xác định là xâm phạm chân dung quyền", do đó, khó có quản lý hay buộc tội các "nghệ sĩ nhái".

An Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-cong-nghiep-gia-mao-ngoi-sao-tai-trung-quoc-post1186628.html