Ngành công nghiệp hỗ trợ 'đón sóng' FDI
27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023 là tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đổ vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm khoảng 62,6% tổng vốn FDI đăng ký. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhận diện năng lực cung ứng
Thông tin từ Bộ KH-ĐT cho thấy, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam đạt hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn FDI, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kế đến là Trung Quốc với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Hiện Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu thu hút vốn FDI với 4,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn FDI cả nước, gấp 3,15 lần so với cùng kỳ. TPHCM đã trở lại đứng vị trí thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đăng ký.
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, cho rằng, những con số này cho thấy Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Để đón sóng đầu tư này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng gia tăng quy mô, năng lực sản xuất để có cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo từ Sở Công thương TPHCM nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TPHCM tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong 10 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ. Riêng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,8%.
Cùng với đà tăng trưởng, ghi nhận thực tế từ thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp ngành CNHT đã gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm đa chi tiết hoặc giá trị gia tăng cao. Ông Huỳnh Văn Tèo, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế chế tạo Nhật Minh, cho biết, đang hợp tác với nhà cung cấp dây chuyền máy dập của hãng máy Isgec, đồng thời sản xuất và cung ứng dụng cụ kim loại (gồm mũi khoan, mảnh cắt, chuôi dao, dụng cụ đo, khoan tâm…) cho nhiều tập đoàn nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối như Mitsubishi, Okazaki, Magafor, Nidec, Fuji Seiko… Hay như Công ty TNHH CNS Amura Precision đã khẳng định năng lực cung ứng của mình khi sở hữu hàng ngàn mẫu sản phẩm các loại chuyên cung ứng cho các đối tác Nhật Bản, châu Âu…
Thực tế cho thấy, hiện Việt Nam đang có 2.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT và 5-10% trong số đó có đủ năng lực sản xuất sản phẩm, linh kiện cơ khí và khuôn nhựa có ưu thế xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này cũng đang là nhà cung ứng cấp 1 cho nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối trong nước. Riêng tại TPHCM, ngành công nghiệp này luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đạt trung bình 7,83%, cho thấy nỗ lực vươn lên rất lớn của doanh nghiệp.
Gia tăng khả năng nắm bắt cơ hội
Phát triển ngành CNHT, gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu không đơn thuần là góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp. Quan trọng hơn, đây còn là nền tảng để thu hút dòng vốn FDI gia nhập và trụ lại thị trường Việt Nam. Ghi nhận tại TPHCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, có đến 197 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 1,1 tỷ USD, 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD và 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.
“Sự phát triển mạnh mẽ ngành CNHT thời gian qua đã tạo nên sự hấp dẫn đáng kể trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bởi việc gia tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNHT nội địa sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm thiểu rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là bài học đắt giá đã được đúc kết từ thực tế vào năm 2020”, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản khẳng định.
Về phía doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, hiện đơn đặt hàng sản xuất của nhiều công ty từ nay đến hết quý 1-2025 đã lấp đầy. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất cần cải thiện năng lực nhằm gia tăng quy mô sản xuất để đón đơn hàng lớn và giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM, cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại trong khu vực là do nguồn lực vốn yếu. Hơn 90% doanh nghiệp sản xuất trong ngành CNHT đều là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và vừa. Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với các doanh nghiệp này trở nên hết sức khó khăn do thiếu tài sản thế chấp đảm bảo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chịu áp lực lãi suất vốn vay đầu tư cao hơn so với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Tình trạng này kéo dài qua nhiều năm đã khiến năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bị suy giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, cùng với việc đón làn sóng đầu tư ngoại đang ồ ạt đổ vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, việc gia cố năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT là hết sức cần thiết và cấp bách.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nội lực sản xuất, thành phố đã dành 1.500 tỷ đồng ngân sách bố trí cho Chương trình kích cầu đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vay 200 tỷ đồng và được hưởng mức lãi suất hỗ trợ vốn vay lên đến 100%. Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có ngành CNHT.
“Có thể thấy, chính sách trên rất ưu việt, hứa hẹn sẽ tạo động lực đột phá giúp doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư, sản xuất. Từ đó khai thác hiệu quả hơn thị phần tiềm năng, thúc đẩy ngành CNHT tại TPHCM nói riêng, cả nước nói chung gia tăng vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh.
* Bà TRƯƠNG THỊ CHÍ BÌNH, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam:
Hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo động lực phát triển công nghiệp
Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Tuy nhiên, khoảng 30% doanh nghiệp CNHT Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Một số doanh nghiệp CNHT trong nước đã đạt được năng lực tốt trong các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật, săm, lốp các loại.
Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện hầu hết doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực tài chính và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia.
Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý. Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp. Quan trọng hơn, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
* Bà LÊ NGUYỄN DUY OANH, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM:
Tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu chất lượng cao
Hiện có nhiều dự án FDI cần được cung ứng sản phẩm CNHT từ doanh nghiệp Việt Nam. Tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như điện tử, ô tô, dệt may và da giày…
Đơn cử, Tập đoàn Samsung cần nguồn cung cấp linh kiện điện tử đa dạng cho nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn tại Thái Nguyên; các đối tác sản xuất của Apple như Foxconn, Luxshare và GoerTek đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam và cần doanh nghiệp trong nước cung ứng linh kiện điện tử.
Trong lĩnh vực ô tô, dự kiến nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh đi vào hoạt động cuối năm 2024 sẽ cần nguồn cung cấp phụ tùng và linh kiện ô tô. Riêng các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này đang tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu chất lượng cao từ các nhà cung cấp nội địa để đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nganh-cong-nghiep-ho-tro-don-song-fdi-post768385.html