Ngành công nghiệp kim cương Trung Quốc

Trang Sixth Tone điểm lại quá trình Trung Quốc vươn lên chiếm thị phần trong thương mại kim cương toàn cầu.

Một thập kỷ trước kim cương nhân tạo được xem như tương lai của ngành trang sức. Khi nhu cầu tăng lên, nhiều công ty hàng đầu thế giới như De Beers nhanh chóng tung ra hàng loạt dòng trang sức đính kim cương nhân tạo, tiếp thị chúng là giải pháp thay thế giá rẻ dành cho người tiêu dùng trẻ tuổi có ý thức về tiền bạc hơn.

Nhưng thị trường chẳng thể nào phát triển mãi. Tháng 6 năm nay, De Beers tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh kim cương nhân tạo. Nguyên nhân không phải nhu cầu giảm, mà do sản phẩm này tràn ngập thị trường và “ăn mòn” lợi nhuận ròng của công ty.

Phần lớn hàng giá rẻ đến từ các nhà máy ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Ở miền trung Trung Quốc - nơi trở thành trung tâm ngành công nghiệp kim cương của đất nước, công nghệ mới làm tăng năng suất kim cương nhân tạo dẫn đến giá giảm mạnh.

Biến động nhu cầu kim cương

Đại dịch COVID-19 là “cơn bão” với thương mại kim cương toàn cầu. Ban đầu khi mọi người bị hạn chế ra khỏi nhà, ngành hàng xa xỉ cùng trang sức chứng kiến doanh số bán hàng trực tuyến tăng cao, đẩy giá kim cương lên mức cao kỷ lục vào đầu năm 2022.

Nhưng suy thoái ập đến sau đó. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 3.2022 thông báo tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát quá cao, các ngân hàng trung ương khác lập tức làm theo. Sự thay đổi đột ngột từ nới lỏng sang siết chặt điều kiện tài chính giáng đòn mạnh vào ngành hàng xa xỉ cùng trang sức. Người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn và bắt đầu cắt giảm chi tiêu dành cho mặt hàng không thiết yếu gồm cả kim cương.

Không phải loại kim cương nào cũng giảm doanh số. Nhu cầu kim cương nhân tạo (ước tính có giá thấp hơn từ 40% đến 50% so với kim cương tự nhiên) tăng lên vài năm gần đây, tuy nhiên giá lại giảm mạnh.

Chuyên gia tư vấn Paul Zimnisky cho biết giá kim cương nhân tạo hiện chỉ bằng khoảng 1/4 giá năm 2015, trong khi đó giờ đây nếu bỏ ra 6.000 USD mua nhẫn cưới thì mua được viên kim cương tự nhiên to gần bằng kim cương bán ra 9 năm trước.

Vùng nông nghiệp thành “thủ phủ” kim cương

Viên kim cương nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc được tạo ra vào năm 1963 trong một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh. Hai thập niên sau kỹ sư Feng Jinzhang mở cơ sở sản xuất kim cương đầu tiên ở quê nhà Giá Thành (tỉnh Hà Nam) - nơi vốn là vùng nông nghiệp.

Ngành công nghiệp kim cương phát triển mạnh mẽ trên địa bàn. Đến cuối những năm 1980 cơ sở sản xuất mọc lên khắp huyện. Ngày nay Giá Thành được biết đến như “thủ phủ” kim cương Trung Quốc. Giới chức địa phương tuyên bố Trung Quốc chiếm một nửa số kim cương nhân tạo toàn cầu, 80% trong số đó đến từ Hà Nam.

Có hai phương pháp sản xuất chính: nhiệt độ cao, áp suất cao (HTHP) và lắng đọng hơi hóa học (CVD). Cơ sở sản xuất Trung Quốc ưa thích HTHP do chi phí thấp và nhanh hơn, nhưng lại cho ra kim cương độ tinh khiết thấp. Cơ sở sản xuất Ấn Độ thường chọn CVD cho ra kim cương độ tinh khiết cao dù tốn kém và mất nhiều thời gian hơn.

HTHP chỉ mất 1 - 3 ngày để tạo ra kim cương 1 carat, trong khi CVD mất đến 1 tháng - Ảnh: Sixth Tone

HTHP chỉ mất 1 - 3 ngày để tạo ra kim cương 1 carat, trong khi CVD mất đến 1 tháng - Ảnh: Sixth Tone

Dư thừa năng lực sản suất

Nhờ chạy đua tăng sản lượng mà Hà Nam trở mình thành trung tâm kim cương nhân tạo, nhưng ngày càng nhiều đơn vị Trung Quốc lẫn quốc tế tham gia thị trường nên ngành này trở nên bão hòa.

Cung vượt xa cầu kéo giá xuống thấp, doanh thu của nhiều nhà kim hoàn chẳng còn nữa. Đơn vị bán lẻ trang sức kim cương số một thế giới Signet Jewelers ghi nhận doanh thu quý 1/2024 giảm 9,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba công ty dẫn đầu thị trường Trung Quốc là Trung Binh Hồng Tiễn, Hoàng Hà Tuyền Phong, Lực Lượng Kim Cương cũng báo cáo doanh thu lẫn lợi nhuận quý 1 năm ngoái sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước đó.

Trước tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và rớt giá, nhiều đơn vị như De Beers chọn tái chuyển hướng sang kinh doanh kim cương dùng trong công nghiệp. Hoàng Hà Tuyền Phong gần đây công bố kế hoạch sản xuất kim cương phục vụ ngành bán dẫn, ngành năng lượng mặt trời cùng một số ngành công nghệ cao khác.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nganh-cong-nghiep-kim-cuong-trung-quoc-223081.html