Ngành công nghiệp robot phát triển 'nóng'

Ngành công nghiệp robot đã phát triển mạnh mẽ từ nhiều thập niên qua. Và giờ đây cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực này lại bắt đầu khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những bước đột phá nhanh chóng. Nhiều cường quốc trên thế giới, nhất là Trung Quốc, tăng cường đầu tư cho ngành công nghiệp robot trong bối cảnh bùng nổ công nghệ AI.

Tầm nhìn dài hạn

Cuối tháng 8 vừa qua, Hội nghị Robot thế giới 2024 đã diễn ra tại Bắc Kinh, giới thiệu hơn 600 sản phẩm robot từ khắp nơi trên thế giới, thu hút hơn 1,3 triệu người tham dự. Có 27 robot hình người được trưng bày, với khả năng ứng dụng trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, quản lý hộ gia đình và giải trí.

Tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh, robot thể hiện khả năng bắt chước biểu cảm của con người.

Tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh, robot thể hiện khả năng bắt chước biểu cảm của con người.

Khi AI trở thành xu hướng công nghệ hàng đầu, các nhà nghiên cứu nhận định sự cạnh tranh trong ngành robot có thể trở thành cuộc đua toàn cầu mới trong thế kỷ này. Các doanh nhân trong ngành robot nhận định trong vòng 5 đến 10 năm tới, robot sẽ được sản xuất hàng loạt, là bước tiến công nghệ lớn tiếp theo sau sự kiện ChatGPT và có thể thúc đẩy tăng trưởng hàng chục tỷ USD.

Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn về phát triển robot và ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong cuộc sống hàng ngày. Quốc gia này đã thiết kế các chính sách nhằm kích thích và duy trì các sáng kiến robot trong những năm tới. Ngoài các hướng dẫn cấp nhà nước, các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Ninh Ba đã thành lập các trung tâm sáng kiến robot. Các trung tâm này nhằm mục đích thu thập nguồn tài chính và nhân tài nghiên cứu để đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ này.

Cam kết của Trung Quốc đối với ngành robot được phản ánh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó hình dung robot sẽ được tích hợp sâu vào cuộc sống hàng ngày vào năm 2035. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn cụ thể hơn về việc phát triển robot hình người vào tháng 10 năm ngoái. Các hướng dẫn này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, nêu rõ rằng đến năm 2025, một hệ thống đổi mới cơ bản cho robot hình người sẽ được thiết lập. Đến năm 2027, chuỗi cung ứng của ngành sẽ được tăng cường, hình thành nên một hệ sinh thái toàn cầu có tính cạnh tranh.

Mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận chip AI nhưng các hoạt động đầu tư lớn vào nghiên cứu chip đã và đang giúp Trung Quốc tiến bộ trong lĩnh vực AI, robot. Thị trường rộng lớn và các phương án ứng dụng đa dạng cũng sẽ thúc đẩy việc thu thập dữ liệu quy mô lớn, giúp đào tạo các hệ thống AI đối với robot.

Vào tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chính sách tập trung vào việc tạo ra 184 cơ sở giáo dục AI để thí điểm tích hợp AI. Các trường tiểu học và trung học được lựa chọn sẽ kết hợp AI vào các môn học như công nghệ thông tin, tăng cường nguồn lực giáo dục kỹ thuật số và cung cấp đào tạo giáo viên chuyên biệt. Mục tiêu là phát triển các phương pháp tối ưu nhất để có thể triển khai trên toàn quốc trong tương lai.

Do AI hiện đã có thể giải quyết phần lớn các bài tập trên lớp, nên một nền giáo dục nuôi dưỡng sự tư duy, đổi mới, hợp tác và chấp nhận đương đầu với thử thách sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Chương trình giảng dạy phải thích ứng với việc phát triển các kỹ năng quản lý, giao tiếp giữa các cá nhân và đạo đức công nghệ.

Nhận hỗ trợ lớn từ Chính phủ

Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, robot của Trung Quốc có thể trở thành số một thế giới sau 2 đến 3 năm nữa. Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua tự động hóa với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Chính quyền trung ương và địa phương cam kết đầu tư mạnh mẽ vào robot và công nghệ tự động hóa. Nhờ đó, Trung Quốc đã trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp, theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR). Vào năm 2021, Trung Quốc đã lắp đặt số robot trên mỗi công nhân sản xuất nhiều hơn 18% so với Mỹ. Năm 2022, 52% robot công nghiệp trên toàn cầu được lắp đặt tại Trung Quốc, tăng từ 14% một thập kỷ trước. Ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, vốn là thị trường tiêu thụ robot công nghiệp lớn nhất, cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển này.

Nỗ lực chế tạo robot được hỗ trợ bởi chính sách phát triển lực lượng sản xuất mới trong công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Các địa phương đã lần lượt rót tiền. Đầu năm 2024, Bắc Kinh ra mắt quỹ do Nhà nước hậu thuẫn trị giá 1,4 tỷ USD cho ngành robot. Tháng 7, Thượng Hải công bố kế hoạch lập quỹ công nghiệp robot khoảng 1,4 tỷ USD.

Trái ngược với Mỹ, nơi robot thường bị xem là mối đe dọa, Trung Quốc coi đây là công cụ thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành trung tâm đổi mới và sản xuất robot hàng đầu thế giới vào năm 2025.

Chính phủ Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính khác cho các công ty mua và sản xuất robot, Trung Quốc đã thành lập các trung tâm nghiên cứu robot tập trung và các cụm sản xuất để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chính phủ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho phát triển một hệ sinh thái robot toàn diện bao gồm các nhà cung cấp linh kiện, nhà sản xuất robot, nhà tích hợp hệ thống và nhà cung cấp dịch vụ. Không chỉ vậy, Trung Quốc có một lợi thế khác, các phương tiện truyền thông, giới học giả và quan chức chính phủ coi robot đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Sơn Hà (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nganh-cong-nghiep-robot-phat-trien-nong-i744134/