Ngành Công Thương Hà Nội: Quyết liệt cải cách hành chính

Sát cánh cùng doanh nghiệp (DN), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các dịch vụ công, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ khó khăn cho DN, ngành Công Thương Hà Nội đã tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy công nghiệp và thương mại phát triển.

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Công tác cải cách hành chính giúp đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn Thủ đô

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Công tác cải cách hành chính giúp đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn Thủ đô

Công nghiệp và thương mại vững nhịp tăng trưởng

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Sở luôn đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn cho DN; động viên DN khắc phục khó khăn, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực thực hiện các giải pháp như triệt để tiết kiệm vật tư, nhiên liệu; tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; đổi mới công nghệ; tìm kiếm thị trường mới… Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 chuyển động theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá.

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp 1,51 điểm phần trăm vào mức tăng 7,21 của GRDP toàn thành phố. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh trong quý II. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,69% điểm phần trăm vào mức tăng 7,21% của GRDP toàn thành phố.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7.201 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 7/13 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 42%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 66,5%; kim loại khác tăng 14,6%...

Nhằm tạo thuận lợi cho công nghiệp phát triển, Sở đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã hoàn thành thẩm định, trình UBND thành phố xem xét thành lập, mở rộng 17 cụm công nghiệp; làm việc với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc tại các cụm công nghiệp làng nghề. Đồng thời, tổ chức đối thoại với các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức 15 lớp tập huấn quản trị marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ DN, chủ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã; hỗ trợ truyền nghề thủ công mỹ nghệ, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất.

Trong công tác quản lý chợ, Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Đề án quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025; rà soát 18 chợ có đủ điều kiện trình thành phố Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2019. Sở cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại huyện Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Ba Vì, Đan Phượng. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 167/454 chợ.

Công tác quản lý và phát triển thương mại điện tử được Sở Công Thương đặc biệt coi trọng. Sở đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR (Quick response code) hướng dẫn các DN trên địa bàn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.

Công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương Hà Nội góp phần tiết kiệm chi phí cho người dân và DN

Công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương Hà Nội góp phần tiết kiệm chi phí cho người dân và DN

Quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN

Hiện Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện 148 TTHC thuộc 50 lĩnh vực hoạt động. Sở đã thực hiện công khai toàn bộ 100% TTHC và quy định hành chính thuộc thẩm quyền tại bộ phận "1 cửa" cùng với việc công bố đường dây nóng. Sở cũng công khai, niêm yết các TTHC thuộc thẩm quyền, kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC... Cùng với đó, tăng cường trang thiết bị, phối hợp với Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thông qua điện thoại cả trong và ngoài giờ làm việc.

Đồng thời với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bãi bỏ TTHC đúng quy định, Sở cũng kịp thời sửa, ban hành lại quy trình để bảo đảm hiệu lực của hệ thống. Chất lượng cung cấp dịch vụ công của Sở Công Thương ngày càng được nâng cao với các TTHC được cải cách theo hướng tinh gọn, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí. Nhờ vậy, 100% hồ sơ được Sở giải quyết trước đúng thời gian quy định và rút ngắn thời gian thực hiện từ 20 - 30% so với quy định. Đến nay, theo khảo sát, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở Công Thương Hà Nội đã đạt từ 90% trở lên. Sở cũng mở nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của DN, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ và tham mưu các giải pháp giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Lê Hồng Thăng, công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, do phạm vi quản lý nhà nước của ngành Công Thương rất rộng, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhiều và thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức giải quyết TTHC của Sở Công Thương cũng như Phòng Kinh tế các quận, huyện hiện nay có khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, thuộc nhiều lĩnh vực; số lượng hồ sơ lớn nên nhiều lúc gây ra tình trạng quá tải với cán bộ…

Để khắc phục những tồn tại này, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh rà soát các TTHC để sửa đổi cho phù hợp; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN; tiếp tục duy trì và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cung ứng các dịch vụ công cho tổ chức và cá nhân với chất lượng tốt nhất, nhằm ngày càng phục vụ người dân, DN và các tổ chức tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội nỗ lực đồng hành cùng DN, tiếp tục cải cách TTHC, tích cực tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 8,6 - 8,8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5 - 8%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 9 - 10% so với năm 2018.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-ha-noi-quyet-liet-cai-cach-hanh-chinh-124775.html