Ngành Công Thương: Hành động vì an toàn thực phẩm
Hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) ngành Công Thương được triển khai trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện, ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã duy trì mạng lưới triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng ATTP từ cấp bộ đến địa phương; thường xuyên chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, phân công cụ thể trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước về ATTP.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương, doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Đồng thời, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATTP; tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng và triển khai các Kế hoạch về kiểm tra, hậu kiểm ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP.
Bộ Công Thương cũng chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc về tuyên truyền, vận động giám sát bảo đảm ATTP; giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Vụ đã trình lãnh đạo Bộ chỉ định 27 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng và 11 cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo 100% lô hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương nhập khẩu được kiểm tra về ATTP.
Đáng chú ý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, nội dung kiểm tra chú trọng vào sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, sản phẩm sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở không có một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...
Trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các nhiệm vụ về quản lý nhà nước ATTP được phân công. Cụ thể, chủ động và khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Cùng với đó, xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch hoạt động, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo định kỳ tới Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, Văn phòng Chính phủ; phối hợp liên ngành chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đảm bảo đơn vị sản xuất thực phẩm thuộc Bộ Công Thương luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật và triển khai tốt công tác đảm bảo các điều kiện ATTP.
Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn cho DN và mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; chương trình kết nối tiêu thụ hàng thực phẩm an toàn; khuyến khích hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn.
Năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đơn vị trong và ngoài Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm.