Ngành công thương - một năm nỗ lực
Năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến các lĩnh vực sản xuất của ngành công thương gặp khó. Có thời điểm, nhiều ngành hàng sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động, cắt giảm nhân công, đơn hàng xuất khẩu giảm sút...
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành đạt 95% công suất trong năm 2020.
Trước bối cảnh ấy, ngành công thương đã tập trung cao cho công tác bám sát tình hình DN, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hỗ trợ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động đạt 95% công suất, là động lực chính cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp và GRDP của tỉnh. Thường xuyên rà soát, tổng hợp dự báo tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch để tham mưu UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do để các DN nắm bắt; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với 87% thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN tiếp cận các thủ tục hành chính.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm vượt khó của ngành công thương và các DN, các chỉ tiêu của ngành vẫn tăng so với cùng kỳ và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,44% so với cùng kỳ, gấp 3,95 lần cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 141.640 tỷ đồng, tăng 12,3% cùng kỳ. Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp. Nhiều sản phẩm công nghiệp truyền thống ít chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 vẫn duy trì sự tăng trưởng, như: Thép Nghi Sơn vượt 15,7% kế hoạch, xi măng và clinker tiêu thụ tăng 2,6%, dầu ăn tăng 153%, bao bì tăng 69%, thủy sản đông lạnh tăng 12,3%... Giá trị gia tăng công nghiệp toàn tỉnh đạt 41.500 tỷ đồng, tăng 11,13% cùng kỳ và đóng góp 3,5 điểm % trong tăng trưởng 6,08% GRDP toàn tỉnh.
Xuất khẩu hàng hóa đạt 3,76 tỷ USD, tăng 1,6% cùng kỳ, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Toàn tỉnh hiện có 137 DN xuất khẩu trực tiếp 55 mặt hàng sang 47 thị trường. Trong đó, thị phần các thị trường khó tính ngày càng được mở rộng.
Cân đối cung - cầu toàn thị trường được bảo đảm, ngay cả trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 113.188 tỷ đồng, tăng 4,1% cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân cả nước.
Công nhân Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa trong ca sản xuất.
Năm 2021, mục tiêu của ngành công thương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, đạt từ 97,5% công suất trở lên. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm, như: Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Thủy điện Hồi Xuân, dây chuyền số 4 xi măng Long Sơn, xi măng Đại Dương... Tăng cường công tác tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ các DN tận dụng lợi thế từ các hiệp định FTA. Tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư, tập trung một số lĩnh vực có lợi thế, như: công nghiệp sau lọc hóa dầu; công nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng may mặc, giầy da về khu vực nông thôn, miền núi; công nghiệp phụ trợ ngành may, giầy da; công nghiệp cơ khí; công nghiệp năng lượng mới...
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, để nâng cao giá trị ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả bề rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tập trung phát triển mạnh các ngành: lọc, hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, năng lượng, chế biến nông sản thực phẩm và một số ngành hàng tiêu dùng, xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-mot-nam-no-luc/131485.htm