Ngành Công Thương Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu
Nhằm hướng dẫn, tuyên truyền trong việc thực hiện quy định của pháp luật và ghi nhận những kiến nghị, đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngày 18/3, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Hội nghị có sự tham dự của trên 60 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành liên quan.
Tăng thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị thương nhân đầu mối xăng dầu; 7 doanh nghiệp phân phối; 110 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; 217 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động và 6 kho dự trữ thương mại thuộc các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh với tổng trữ lượng đạt gần 400.000m3
Năm 2020, lượng xăng dầu bán lẻ ra thị trường trong tỉnh Quảng Ninh đạt trên 1,2 triệu m3. Trong đó, bán lẻ trực tiếp tại cửa hàng đạt trên 719.000m3; xuất bán trực tiếp cho khách hàng lớn 550.000m3. Tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu đạt 22,5 nghìn tỷ, bằng 111,6% cùng kỳ. Đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tỉnh năm 2020 là hơn 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh ước đạt 230.000m3; trong đó: Bán lẻ trực tiếp tại cửa hàng trên 130.000 m3; xuất bán trực tiếp cho khách hàng lớn (các đơn vị khai thác than, nhà máy xi măng, nhiệt điện, gạch, bốc xúc, kinh doanh dịch vụ vận tải) là 100.000m3.
Dự kiến lượng xăng dầu tiêu thụ trong tỉnh năm 2021 ước khoảng trên 1,4 triệu m3, tăng 12% so với năm 2020. Đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tỉnh năm 2021 ước đạt 5.282 tỷ đồng. Trong đó, thuế nhập khẩu là 2.300 tỷ đồng, thuế môi trường là trên 2.530 tỷ.
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua, Sở Công Thương đã thực hiện phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để các doanh nghiệp và nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu; quản lý vị trí kinh doanh xăng dầu trên biển thông qua lắp đặt hệ thống định vị; thông tin kịp thời, chính xác về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh xăng dầu; nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, gian lận thương mại...
Đồng thời, ngành đã tích cực vận động, thuyết phục các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành lập chi nhánh tại tỉnh Quảng Ninh nhằm thực hiện kê khai các loại thuế theo quy định của pháp luật.
Sở cũng tổ chức nhiều buổi làm việc giữa các đơn vị đầu mối, phân phối xăng dầu với các đơn vị kinh doanh, sử dụng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, từ đó doanh nghiệp cung ứng và đơn vị sử dụng dễ dàng kết nối, thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngành đã triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị định vị đối với các tàu kinh doanh xăng dầu trên biển theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên biển.
Ngành Công Thương Quảng Ninh cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế, Công an, Quản lý thị trường…) trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ xăng dầu trái phép, hành vi gian lận thương mại, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, lập khống chứng từ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tại hội nghị, ông Trần Phong - Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Quảng Ninh - chỉ ra rằng: Thời gian qua, tình trạng vi phạm quy định về mua, bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối (mua hàng ngoài hệ thống phân phối/mua không đúng thương nhân cung cấp xăng dầu trên giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu) còn diễn ra tại một số doanh nghiệp. Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên biển chỉ được kinh doanh tại vị trí neo đậu ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên một số cửa hàng không chấp hành vị trí mà di chuyển bán hàng tại các vị trí không được phép, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Riêng từ ngày 7 - 15/9/2020, đoàn kiểm tra của Sở đã phát hiện có 6 đơn vị có hành vi vi phạm quy định về nhận quá số lượng đại lý/ thương nhân nhận quyền bán lẻ do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối; 1 đơn vị vi phạm quy định về mua xăng dầu ngoài hệ thống phân phối theo quy định. Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 đơn vị, tổng trị giá xử phạt vi phạm hành chính 160 triệu đồng.
Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn về pháp luật cho các doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương đã phổ biến Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Sau khi nghe phổ biến về Nghị định số 99, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra những ý kiến thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định mới, như: Việc thực hiện kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên biển; tạo điều kiện bố trí quỹ đất xây dựng địa điểm bán hàng cho các đơn vị kinh doanh khi địa điểm bán hàng cũ nằm trong quy hoạch và đề xuất giảm bớt thủ tục cho các doanh nghiệp kinh doanh…
Tất cả các vướng mắc của các doanh nghiệp cũng đã được đại diện Sở Công Thương trả lời theo thẩm quyền, đồng thời, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng được ghi nhận tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - khẳng đinh: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.