Ngành Công thương Quảng Trị đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh
* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh HÀ SỸ ĐỒNG trả lời phỏng vấn
- Ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, ngành Công thương Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã nối tiếp nhau nỗ lực vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự cống hiến ấy đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp chuyển đổi cơ chế quản lý, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khi lập lại tỉnh đến nay, ngành Công thương Quảng Trị đã chủ động mở rộng, lựa chọn sản phẩm lợi thế để đầu tư sản xuất, đồng thời khuyến khích ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn phát triển. Vượt qua mọi khó khăn, ngành đã từng bước tạo dựng được cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp; thu hút được nhiều dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại... Nhờ nỗ lực ấy, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Từ đạt 11,27%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, đã tăng lên 11,42% vào giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển. Các ngành công nghiệp có thế mạnh như: Dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển. Hoạt động thương mại chuyển biến tích cực cả về quy mô, thị trường và hạ tầng kỹ thuật. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được ngành công thương triển khai một cách chủ động, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa các sản phẩm của Quảng Trị tiếp cận với thị trường quốc tế. Giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.339 triệu USD, vượt 15,41% so với mục tiêu đề ra; kim ngạch nhập khẩu đạt 949 triệu USD. Ngành đã có sự hỗ trợ tích cực, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tốt lợi thế, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Từ những dẫn chứng sinh động trên, có thể thấy ngành Công thương Quảng Trị đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của toàn ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành công thương đã góp phần giúp ngành trở thành một trong những trụ cột quan trọng nền kinh tế của tỉnh.
- Để tiếp tục góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh một cách hiệu quả, thời gian tới, ngành công thương cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
- Hiện nay, tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh đang có nhiều diễn biến mới, thời cơ đan xen thử thách. Vì thế, ngành công thương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục quản lý, điều hành và tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực công thương, đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Trước tiên, ngành công thương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần đại hội đảng các cấp; phối hợp, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Toàn ngành cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Ngành công thương phải chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời trên các lĩnh vực, nhất là những vấn đề mới, đột xuất, phức tạp. Trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần chủ động, tích cực triển khai các giải pháp giúp hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao vị thế và vai trò của Quảng Trị gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực; tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, khu vực; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; phát triển đội ngũ doanh nhân, thương nhân Quảng Trị ngày càng vững mạnh… Ngành Công thương Quảng Trị cần quán triệt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết, tuyên truyền, triển khai thực hiện một cách cụ thể, đầy đủ cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, thương nhân.
Để vững từ gốc, ngành công thương cần thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đoàn kết. Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo ngành cần quan tâm chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, phát triển; tạo các điều kiện làm việc, chế độ chính sách cần thiết, động viên khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn khởi công tác; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, có tính sáng tạo, tận tụy với công việc…
- Trước mắt, ngành Công thương Quảng Trị cần làm gì để thực hiện chủ đề năm: “Tái thiết sản xuất, hoàn thiện quy hoạch, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện”, thưa ông?
- Để thực hiện tốt chủ đề năm, ngành công thương cần triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án tái cơ cấu, quy hoạch phát triển ngành giai đoạn 2021 - 2030 và đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến gỗ và nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp silicat, các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Sở Công thương cần chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, đưa vào vận hành, phát triển thương mại trước thời điểm 31/10/2021. Tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án quan trọng. Tham mưu UBND tỉnh làm việc với các cơ quan liên quan để đưa các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2021 - 2030; đẩy nhanh tiến độ cấp phép triển khai thực hiện dự án và hòa lưới điện trước thời điểm 31/10/2021 đối với 14 dự án điện gió với tổng công suất 569 MW đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đưa vào quy hoạch điện VII... Hoạt động thương mại, dịch vụ, hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, biên giới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành dịch vụ cần được tiếp tục đẩy mạnh. Ngoài ra, những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng cần thực hiện tốt là: Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; kịp thời đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng...
Kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành công thương là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về những thành quả gặt hái được, nêu cao quyết tâm cống hiến, ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong giai đoạn tới. Tôi tin tưởng truyền thống đáng tự hào của ngành công thương trong suốt 70 năm qua sẽ được tiếp nối, phát huy, góp phần quan trọng giúp quê hương, đất nước mạnh giàu.
- Xin cảm ơn ông!
Quang Hiệp (thực hiện)