Ngành Công Thương Quảng Trị: Phát huy thế mạnh, khẳng định vai trò trụ cột trong kinh tế địa phương
Trong chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Công Thương Quảng Trị đã kế thừa và phát huy được truyền thống của ngành từ những ngày đầu; qua các giai đoạn khác nhau, với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi của ngành có sự thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Công Thương Quảng Trị vẫn luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Trụ cột cho kinh tế địa phương
Gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Quảng Trị đã sớm ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ tổ chức tiền thân là “Ban Kinh tài Quảng Trị”, sau nhiều lần đổi tên theo yêu cầu của nhiều thời kỳ, từ tháng 5/2008 đến nay, Sở đã chính thức mang tên Sở Công Thương Quảng Trị.
Ở mỗi thời kỳ khác nhau, ngành Công Thương Quảng Trị luôn phát huy tinh thần tiên phong, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đơn cử, thời kỳ kháng chiến, ngành Công Thương Quảng Trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tiếp tế chi viện cho chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Thời kỳ tái lập tỉnh đến nay, ngành Công Thương luôn nỗ lực phát triển, khẳng định vị trí trụ cột kinh tế địa phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 11,27%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 11,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVI (chỉ tiêu Đại hội bình quân 5 năm đạt 10,5 - 11%/năm) và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước trong cùng thời kỳ. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn có bước phát triển. Tỉnh đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng.
Xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án. Đến nay, đã có 53 dự án điện gió được quy hoạch với tổng công suất khoảng 4.746MW; 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.750MWp; 2 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400MW và 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340MW được đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam.
Ngoài ra, tỉnh còn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; Dự án nâng tiết diện đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai hoặc được bổ sung vào quy hoạch, mở ra triển vọng đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Đáng chú ý, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, ngoài Khu kinh tế (KKT) Đông Nam đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã hình thành 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.241,2ha: KCN Nam Đông Hà 99ha, KCN Quán Ngang 205ha, KCN Tây Bắc Hồ Xá 339ha; KCN Quảng Trị 481,2ha và 17 CCN với tổng diện tích 527,5ha. Mạng lưới điện đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn trên đất liền, có trên 99% số hộ dân đã được sử dụng điện, cao hơn mặt bằng chung cả nước; huyện đảo Cồn Cỏ được sử dụng điện 24/24h.
Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, một số ngành có tốc độ phát triển cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Hạ tầng thương mại, chất lượng dịch vụ từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ khá sôi động. Tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2011-2015 là 17,4%/năm và giai đoạn 2016-2020, tăng bình quân hàng năm 10,07% (chỉ tiêu Đại hội đề ra bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,5- 9%/năm) và năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.959 tỷ đồng, tăng gấp 3,9 lần so với năm 2015.
Hoạt động thương mại có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô, thị trường, hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp thích ứng nhanh với cơ chế mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân, chủ động và từng bước hội nhập có hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản được kiềm chế ở mức cho phép trong suốt giai đoạn 2016-2020 (dưới 4%).
Cơ sở hạ tầng thương mại có bước phát triển nhất định, hệ thống chợ tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều siêu thị, cửa hàng cửa hiệu văn minh hiện đại ra đời, làm thay diện mạo đô thị. Tính đến nay, trên địa bàn có 78 chợ (trên tổng số 108 chợ được quy hoạch), trong đó có 39 chợ kiên cố, 28 chợ bán kiên cố và 8 chợ tạm và 3 chợ đang được xây dựng. Có 3 siêu thị tổng hợp, 2 siêu thị chuyên doanh hàng Lào Thái, 12 siêu thị điện máy, 13 siêu thị mini kinh doanh tổng hợp và trên 20 điểm đặt máy bán hàng tự động. Hệ thống cửa hàng xăng dầu phát triển rộng khắp với 119 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động.
Riêng với hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 1.339 triệu USD, vượt 15,41% so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, tinh bột sắn, sản phẩm bằng gỗ, hàng nông sản và các hàng hóa khác. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 949 triệu USD.
Phát huy thế mạnh tại địa phương, KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo tiếp tục được đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành một trung tâm kinh tế thương mại phát triển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu La Lay đã được nâng cấp trở thành cửa khẩu quốc tế, đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để từng bước hình thành KKT Cửa khẩu nối liền với KKT Đông Nam và Cảng nước sâu Mỹ Thủy.
Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Các quy hoạch ngành, chuyên ngành được quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện, nhiều chính sách ngành tham mưu được triển khai có hiệu quả. Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại góp phần tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được củng cố và tăng cường, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Ghi nhận những đóng góp của ngành với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Công Thương Quảng Trị đã có nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý. Trong đó, Sở Công Thương Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2009; Huân chương Lao động hạng Hai vào năm 2016, nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Năm 2020, Sở Công Thương Quảng Trị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Mảnh đất Quảng Trị oằn mình trong chiến tranh, giờ đây đang hé mở những tiềm năng đầy triển vọng: Hành lang kinh tế Đông - Tây, với sự phát triển Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo và hình thành KKT cửa khẩu quốc tế La Lay, nối liền với KKT Đông Nam Quảng Trị, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Trung tâm nhiệt điện Quảng Trị, nguồn khí ngoài khơi với sự hình thành khu phức hợp năng lượng kết nối với các nước Lào, Thái Lan; nguồn cát trữ lượng lớn, hàm lượng silic cao... đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành Công Thương Quảng Trị đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với mục tiêu khát vọng phát triển đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, ngành Công Thương Quảng Trị sẽ tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về chính trị tư tưởng; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo điều hành; có tâm huyết với ngành; không ngừng củng cố, xây dựng mối đoàn kết nội bộ vững mạnh; thường xuyên bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, nắm vững và thực hiện sáng tạo nhiệm vụ chuyên môn, nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp xây dựng ngành Công Thương Quảng Trị vững mạnh.