Ngành Công Thương sẵn sàng theo phương châm '4 tại chỗ' để chủ động ứng phó với thiên tai
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm '4 tại chỗ' để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2025.
Ngày 4/4/2025, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương tham dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025
Cùng tham dự có ông Phạm Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các bộ, ban, ngành; Sở Công Thương các địa phương; đại diện các đơn vị PVN, EVN, Petrolimex, TKV...
Công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai trong ngành Công Thương được quan tâm, sâu sát
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, năm 2024, tình hình thời tiết, thiên tai có diễn biến đặc biệt phức tạp và khó lường, cả nước bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, có 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,47 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); làm 2.212 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 89.089 tỷ đồng (gấp hơn 9,5 lần so với năm 2023 và 4,2 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Đối với ngành Công Thương, ngay từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về tăng cường công tác PCTT&TKCN trong đó chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ hồ thủy điện, các cơ sở khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị.
Công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai trong ngành Công Thương đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, sâu sát, tuy nhiên do tình hình thiên tai năm 2024 diễn biến phức tạp, đặc biệt là siêu bão Yagi và mưa, lũ hoàn lưu sau bão gây ra, nên các đơn vị trong ngành Công Thương cũng đã bị thiệt hại đáng kể, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn khu vực tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh miền núi phí Bắc.
"Đối với các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đều ban hành các công điện để chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị phòng và ứng phó thiên tai, đồng thời tổ chức kiểm tra tại một số điểm xung yếu. Các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty cũng đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thuộc phạm vị quản lý nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được cấp trên giao. Qua đó, công tác phòng chống thiên tai được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đã ban hành 33 Công điện (Riêng trong cơn bão Yagi ban hành 11 Công điện) chỉ đạo, điều hành gửi các đơn vị ngành Công Thương để có các biện pháp ứng phó kịp thời đối với diễn biến bất thường của thiên tai, bão, lũ, ứng phó kịp thời, nhanh nhất với tình hình diễn biến phức tạp của bão và mưa, lũ hoàn lưu sau bão...
Thứ trưởng cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác PCTT&TKCN trong ngành Công Thương trong năm qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sự phối hợp giữa chủ hồ chưa thủy điện với một số địa phương trong công tác vận hành xả lũ còn chưa chặt chẽ; công tác vận hành xả lũ của một số công trình thủy điện vẫn còn tác động, ảnh hưởng đến nhân dân vùng hạ du; một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT&TKCN chưa được thực hiện đầy đủ; công tác truyền thông và phối hợp giữa các địa phương trong công tác ứng phó thiên tai còn chưa thực sự hiệu quả…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã đề nghị các đại biểu tham luận, góp ý, đánh giá thực chất về những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của các đơn vị làm tốt, cũng như phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả để chỉ đạo các đơn vị triển khai trong năm 2025.
Đánh giá các khó khăn, vướng mắc, tồn tại chủ yếu của đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vận hành an toàn công trình thủy điện và các công trình lĩnh vực dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, xăng dầu... Bên cạnh đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhằm triển khai công tác phòng chống thiên tai hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”
Sau khi nghe đại diện các địa phương, doanh nghiệp đã trình bày tham luận, thảo luận về các vấn đề như: Nhận định sớm tình hình thiên tai năm 2025; công tác kiểm tra, ứng phó mưa bão, công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu và các kiến nghị, đề xuất; phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn gắn với tăng trưởng xanh t;… Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao kết quả các đơn vị đã đạt được trong năm 2024.
Từ những dự báo về tình hình thời tiết của năm 2025, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành Công Thương cần được các đơn vị tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2025. Phải đảm bảo mục tiêu giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn điện, an toàn công trình khai thác khoáng sản, dầu khí, cung ứng xăng dầu, công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường…

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai. Ảnh: EVN
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài thông tin, ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2025. Đây là chỉ đạo quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong năm 2025.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác PCTT&TKCN tại đơn vị.
Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù của đơn vị đối với tất cả hình thái thiên tai có thể xảy ra. Kiện toàn tổ chức, lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với các hình thái thiên tai cao nhất; tổ chức hoặc tham gia diễn tập các phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, lồng ghép nội dung PCTT&TKCN vào chương trình, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.
“Các đơn vị trong ngành Công Thương cần tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.