Ngành công thương triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm

Ngày 7/7/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Nhìn chung, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, nhưng kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của ngành công thương rất đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Các lãnh đạo Bộ Công Thương tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành công thương diễn ra sáng 7/7, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, năm 2023, Chính phủ đã giao các chỉ tiêu chính của ngành công thương gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng khoảng 8-9,7%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao cả năm 2023, trong bối cảnh tình hình 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Bộ Công Thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, than; đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động xây dựng phương án điều tiết thị trường, đảm bảo cung ứng, phân phối xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tìm đơn hàng mới, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp; tổ chức kết nối giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Mặt khác, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước.

Cùng đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường…

Đáng lưu ý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2023 đạt kết quả chưa mong muốn, ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: Chủ yếu nền sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực.

Hơn nữa, thị trường nội địa của ngành sản xuất cũng sụt giảm mạnh; thị trường vốn và tín dụng chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Cùng đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa đạt yêu cầu, thị trường bất động sản đình trệ đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan.

Theo ông Trương Thanh Hoài, trong 6 tháng cuối năm, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt để góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì và từng bước khôi phục, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 của ngành công thương.

Cụ thể, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho nguồn lực tăng trưởng mới trong ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn…

Để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề xuất Lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp xây dựng liên quan.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Duy Đông- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện tại, hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng. Thặng dư thương mại lớn (12,2 tỷ USD) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hồi, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Xuất khẩu hàng công nghiệp giảm mạnh trong khi hàng nông sản tăng trưởng khá tốt, nhất là một hàng rau quả, gạo và hạt điều.

Để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực; trong đó, có Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo.

Mặt khác, Bộ tiếp tục thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; trong đó, tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và công bố doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel. Đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại…

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương

Đồng hành cùng ngành hoàn thành mục tiêu được giao, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhiệm vụ nửa cuối năm 2023 của ngành công thương rất nặng nề. Do đó, Cục tiếp tục “cộng lực” cùng các đơn vị thuộc bộ để hoàn thành qua việc đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, khai thác hiệu quả các FTA.

Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua đoàn giao thương, hội chợ triển lãm, hội nghị quốc tế, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Đặc biệt, Cục sẽ trực tiếp triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; hội nghị giao ban với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng đầu tư, thương mại với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài...

Bên cạnh đó, phát triển và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam thông qua việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu Quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Đại diện cho địa phương lớn nhất cả nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc- Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, nửa cuối năm 2023, Tp Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại.

Cụ thể, để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và hàng hóa trong nước, tháng 8/2023 Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan nhằm tập trung quảng bá sản phẩm tiêu biểu của thành phố và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, du lịch gắn với quảng bá sản phẩm chủ lực của thành phố; giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược đưa sản phẩm nội địa ra thị trường thế giới; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Tiếp tục thực hiện hoạt động xúc tiến thường niên với thị trường nước ngoài, nhất là thị trường gần, thị trường ngách; triển khai hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước, kết nối tiêu thụ hàng hóa với địa phương khác trên cả nước và kết nối với sàn thương mại điện tử…

Về công nghiệp, với các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu từ đó khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào những ngành hàng đang khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như dệt may, đồ gỗ nội thất…

Cùng đó, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sự kiện xúc tiến thương mại trong nước; tổ chức sự kiện xúc tiến thu hút nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-cong-thuong-trien-khai-cac-giai-phap-hoan-thanh-muc-tieu-6-thang-cuoi-nam/298447.html