Ngành đặc thù: Năng khiếu và văn hóa phải song hành
Nghệ thuật, thanh nhạc, sư phạm âm nhạc là ngành thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, được các trường mở mã ngành đào tạo.
Lựa chọn ngành này, không ít em cho rằng, chỉ cần năng khiếu nhưng thông tin từ trường cho thấy, bên cạnh năng khiếu, trình độ văn hóa là yêu cầu cần thiết. Do vậy, ngoài rèn luyện môn thi năng khiếu, các em cần tích lũy kiến thức các môn văn hóa trong trường phổ thông.
Tránh nhầm lẫn khi thi năng khiếu
Theo ThS Huỳnh Tổ Hạp, Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sài Gòn), nội dung môn thi năng khiếu các ngành Thanh nhạc và Sư phạm âm nhạc của trường gồm kiến thức âm nhạc, thanh nhạc và môn hát xướng âm, thẩm âm tiết tấu.
Qua các mùa thi cho thấy, không phải thí sinh nào cũng hiểu được cách thức, quy trình, thậm chí môn thi năng khiếu đó là gì. Chẳng hạn, với nội dung thi xướng âm có nhiều thí sinh không hiểu, không biết thể hiện ra sao. Hay khi thi môn thẩm âm, giáo viên sẽ đàn rồi người học sẽ làm theo. Theo quy định thầy sẽ đánh 3 lần nhưng vẫn có một số thí sinh hiểu nhầm thầy chỉ đánh có một lần nên nhái theo ngay, dẫn đến kết quả thẩm âm không tốt.
Hát cũng có nhiều người chưa hiểu cách hát, như chọn những bài hát không phù hợp. Có thí sinh chọn bài hát quá dễ khiến GV không đáng giá hết năng lực của mình. Lại có thí sinh chọn bài hát quá khó, hoặc chọn loại nhạc không phù hợp... Do vậy, lời khuyên của ThS Huỳnh Tổ Hạp, muốn thi vào ngành nghệ thuật, có môn năng khiếu, thí sinh nên tham gia các lớp ôn thi để được hướng dẫn tập luyện, làm quen môi trường đặc thù, như vậy bước vào phòng thi sẽ tự tin hơn.
PGS.TS Trương Ngọc Thắng - Trưởng Bộ môn Nghệ thuật - Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông & Nghệ thuật (Trường ĐH Văn Lang) cho biết: "Để chuẩn bị kiến thức âm nhạc cho thí sinh, bộ môn nghệ thuật của trường tổ chức luyện thi miễn phí (ngành Thanh nhạc và Piano năm 2020) tại cơ sở 3 với phương châm tạo cơ hội học âm nhạc cho những ai đam mê ca hát và biểu diễn Piano chuyên nghiệp".
Không thể bỏ qua điểm văn hóa
Song song với việc ôn luyện môn thi năng khiếu, để trúng tuyển vào ngành Âm nhạc, theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong các môn xét tuyển sẽ có môn Ngữ văn. Môn học này cũng phải đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh vì quá đầu tư môn năng khiếu mà thả lỏng môn văn hóa cũng dễ bị trượt. ThS Huỳnh Tổ Hạp cho biết: "Ngành Sư phạm âm nhạc, GD Mầm non đều thi 2 môn năng khiếu và Ngữ văn. Sư phạm âm nhạc thi năng khiếu về hát - xướng âm, thẩm âm - tiết tấu. Thí sinh đăng ký ngành GD Mầm non phải thi kể chuyện - đọc diễn cảm, hát - nhái âm. Tuy nhiên, nhiều em điểm năng khiếu cao (8 - 9 điểm) nhưng do môn Ngữ văn lơ đễnh, học kiểu "cầm chừng", chỉ đạt 4 - 5 điểm, không đạt yêu cầu ngưỡng bảo đảm đầu vào nên vẫn rớt.
Ngoài ra, tâm lý khi thi cực kỳ quan trọng. Trước ngày thi, thí sinh nên chuẩn bị cho mình sức khỏe thật tốt. Ăn, ngủ đủ giấc sẽ giúp các em có giọng hát và đàn tốt hơn. Một yếu tố rất quan trọng, thí sinh phải thật bình tĩnh, hít thở sâu, không căng thẳng, tránh bị áp lực tâm lý làm ảnh hưởng đến các phần dự thi của mình.