Ngành dệt may châu Á điêu đứng vì đại dịch COVID-19
Theo nhật báo Yomiuri, ngành dệt may châu Á đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khi một số lượng lớn các đơn đặt hàng đã bị hủy.
Các công ty dệt may châu Á thường nhận được các hợp đồng thầu phụ từ các công ty may mặc ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các công ty này đã đơn phương đưa ra nhiều yêu sách, khiến cho các doanh nghiệp dệt may châu Á càng trở nên khó khăn hơn.
Giảm giá
Bangladesh là nước xuất khẩu mặt hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hơn 4.500 công ty ở nước này nhận được đơn hàng từ các công ty may mặc ở phương Tây, và họ sản xuất hàng may mặc như áo polo và quần áo lót. Vào cuối tháng 2/2020, khi tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ở châu Âu, các công ty Bangladesh đã nhận được thông báo hủy một lượng lớn đơn đặt hàng cùng với hàng loạt yêu cầu giảm giá và các yêu cầu khác. Điều này là do việc phong tỏa nhiều thành phố ở các nước châu Âu dẫn đến nhu cầu hàng may mặc giảm nhanh.
Vào tháng 4/2020, một công ty may mặc lớn của Anh đã hủy các đơn hàng với nhiều nhà thầu phụ với tổng trị giá 8,22 triệu USD, và điều này tạo ra vấn đề về vốn lưu động cho các nhà thầu phụ này. Do đó, các nhà thầu phụ đã không thể trả lương cho nhân viên. Các thành phẩm và bán thành phẩm cũng bị hủy bỏ. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) Rubana Huq phàn nàn rằng đó là yêu sách không hợp lý.
Thất nghiệp
Tại Bangladesh, virus SARS-COV-2 bắt đầu lây lan rộng từ đầu tháng 4/2020, khiến nhiều nhà thầu phụ buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy. Trong bối cảnh tình trạng suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng, nhiều nhà thầu phụ đã nối lại hoạt động bất chấp thực tế là dịch bệnh vẫn chưa được khống chế. Mặc dù vậy, các công ty Bắc Mỹ và châu Âu chưa nối lại việc đặt hàng. Hậu quả là, theo BGMEA, khoảng 4 triệu người đang gặp khó khăn về tài chính vì những lý do như thất nghiệp.
Do đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã cảnh báo các công ty may mặc ở phương Tây cần phải có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho các nhà thầu phụ và nhân viên của họ.
Lo ngại về biện pháp trừng phạt
Các nhà thầu phụ ở Campuchia đã gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu từ Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên. Kết quả là nhiều công ty may mặc ở Bắc Mỹ và châu Âu đã hủy đơn hàng. Hiện tại, khoảng 4 triệu nhà máy đang tạm ngừng hoạt động và khoảng 150.000 người mất việc. Tại Myanmar, hơn 30.000 công nhân trong ngành dệt may được cho là đã thất nghiệp.
Trong khi đó, ngành dệt may Campuchia đang lo ngại về khả năng Liên minh châu Âu (EU) - thị trường lớn nhất của nước này - sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Campuchia. Từ năm 2001, EU đã đưa Campuchia vào danh sách các nước hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan "Tất cả Trừ Vũ khí" (EBA), nhờ vậy, tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu của Campuchia (ngoại trừ vũ khí) vào khối này sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Tuy nhiên, EU có kế hoạch rút lại một phần ưu đãi thuế quan này từ ngày 12/8.