Ngành dệt may, da giày: Hướng tới những mục tiêu lớn

Đa dạng thị trường xuất khẩu (XK), lấy XK làm mục tiêu phát triển của ngành bằng cách tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đồng thời chú trọng phát triển thị trường nội địa… là mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Cơ hội và thách thức

Từ nhiều năm nay, ngành dệt may và da giày đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, khi hàng năm mang về cho đất nước hàng chục tỷ USD. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch XK của dệt may là 39 tỷ USD và da giày - túi xách là 21,5 tỷ USD; 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc ước đạt 19,25 tỷ USD, ngành da giày đạt 10,9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất - XK lớn trên thế giới trong hai lĩnh vực này.

70 - 80% nguyên, phụ liệu phụ thuộc nhập khẩu

70 - 80% nguyên, phụ liệu phụ thuộc nhập khẩu

Song, bên cạnh những thành công, ngành dệt may, da giày đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng thông qua rất nhiều các FTA, đòi hỏi ngành cần có chiến lược phát triển phù hợp hơn trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết: Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội vàng để các doanh nghiệp (DN) dệt may và da giày hưởng lợi. Tuy nhiên, thực tế lâu nay, các DN trong nước vẫn chỉ làm ở công đoạn giá trị gia tăng thấp, nên lợi nhuận không đáng kể.

Cụ thể, trong 3 khâu của chuỗi giá trị toàn cầu từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất cho đến phân phối, Việt Nam chỉ thực hiện ở khâu thứ hai là công đoạn cắt, may, lắp ráp… theo đơn hàng từ nước ngoài, không chủ động khâu nguyên liệu, lợi nhuận thu về rất thấp.

Còn theo Bộ Công Thương, hiện 70 - 80% nguyên, phụ liệu dệt may, da giày vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước ngoài khu vực FTA. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đều có những quy định khắt khe đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu từ trong nước… là những giải pháp cốt lõi để ngành nâng cao lợi thế cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Những cụm giải pháp lớn

Trên cơ sở những cơ hội, thách thức trên, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, trong đó đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, giá trị gia tăng trong ngành dệt may, da giày sẽ tăng trưởng khoảng 6,0 - 7,0%/năm; kim ngạch XK đạt 95 - 100 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng XK đạt 8 - 10%/năm; tăng tỷ lệ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ trong dây chuyền sản xuất.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tăng trưởng giá trị gia tăng trong ngành dệt may, da giày đạt khoảng 5 - 8%/năm; kim ngạch XK đạt từ 120 - 130 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng XK đạt 4 - 5%/năm. Giai đoạn 2030 - 2035: Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm các nước XK hàng dệt may, da giày lớn nhất thế giới…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, như: Ưu đãi, hoàn thuế cho các DN có dự án đầu tư phát triển nguyên liệu chất lượng cao, hoặc sản phẩm hỗ trợ phục vụ phát triển ngành dệt may, da giày; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các khu công nghiệp tập trung, kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giày theo hình thức tổ hợp khép kín từ khâu dệt - nhuộm - hoàn tất - may…

Để phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tới đây Bộ Công Thương còn tích cực phát triển thị trường mới và khuyến khích DN đa dạng hóa sản phẩm XK.

Ngân Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-det-may-da-giay-huong-toi-nhung-muc-tieu-lon-143545.html