Ngành dệt may: Nhiều dư địa tại thị trường EU
Dệt may được nhận định là một trong những ngành được hưởng lợi ích khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi. Để có cái nhìn toàn diện về tác động của hiệp định này với ngành, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Thưa ông, EVFTA đem lại kỳ vọng gì cho DN dệt may?
Kim ngạch nhập khẩu dệt may hàng năm của EU rất lớn, năm 2018 đã đạt 280 tỷ USD. Trung Quốc và Bangladesh hiện là hai nhà cung cấp lớn nhất đối với thị trường EU. Thị phần của Việt Nam chỉ chiếm trên 2%, điều này có nghĩa là thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa cho dệt may Việt Nam.
Sở dĩ dệt may Việt Nam chưa tiến xa, tiến sâu được là do EU gồm 28 nước mà mỗi nước lại có phong tục, tập quán, đặc điểm tiêu thụ khác nhau. Đơn hàng tại EU số lượng nhỏ so với các thị trường khác, lại nhiều mùa, mẫu mã thay đổi liên tục, do đó nhiều DN mang tâm lý “ngại” các đơn hàng nhỏ lẻ. Kỳ vọng “hậu” EVFTA với động lực cắt giảm thuế quan, chúng ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Một trong những điều kiện tiên quyết để được hưởng ưu đãi từ EVFTA là quy tắc xuất xứ, đến thời điểm này các DN trong ngành, cụ thể là Vinatex đã chuẩn bị được những gì?
Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi trong EVFTA khá “dễ thở”, cho phép được cộng gộp nhập vải từ Hàn Quốc. Hiện tại Việt Nam nhập khẩu khoảng 14% vải từ Hàn Quốc. Để chuẩn bị cho các FTA, từ lâu Vinatex đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các DN để hiểu rõ về các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA. Định hướng lâu dài là khuyến khích các DN trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi, hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ. Xuất khẩu theo hướng FOB, ODM chứ không giới hạn ở gia công cũng từ lâu là kim chỉ nam để DN hướng tới. Tuy nhiên, tập đoàn chỉ đóng vai trò chỉ đạo các DN nào có tỷ lệ góp vốn nhiều, còn với DN có tỷ lệ góp vốn thấp chúng tôi chỉ đóng vai trò định hướng.
Với nguyên tắc win-win, theo ông làm thế nào để vừa thu hút được DN EU đầu tư vào ngành dệt may, đồng thời DN nội vẫn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này?
Với DN EU, chúng tôi kỳ vọng phát triển theo hướng nhập khẩu máy móc, chuyển giao công nghệ do ngành dệt của EU rất phát triển. Nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện tại, kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều hợp tác của DN EU bắt tay với DN dệt nhuộm hoàn tất của Việt Nam. Cùng với đó, hy vọng hai bên không chỉ hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ hiện đại mà còn xây dựng được hệ thống kết nối trao đổi chuyên gia, tổ chức các khóa trang bị nâng cao kỹ năng kiến thức nguồn nhân lực.
Ông dự báo như thế nào về tình hình xuất khẩu của ngành những tháng còn lại của năm 2019?
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; EU đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20%; Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3%.
Thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho cả chuỗi dệt may toàn cầu nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng. Tình hình thị trường nguyên - phụ liệu thế giới như bông, xơ, sợi vải diễn ra nhiều kịch bản khó lường. Ngành sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất khi có tới hơn 70% chủ yếu xuất khẩu tới Trung Quốc. Tuy nhiên ngành may hiện chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Xin cảm ơn ông!
XK dệt may năm 2019 được nhận định có thể tăng khá, tuy nhiên sẽ khó đạt mức tăng trưởng 15,96% của năm ngoái. ước kim ngạch cả năm 2019 đạt khoảng gần 39,8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2018.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-det-may-nhieu-du-dia-tai-thi-truong-eu-122071.html