Ngành điện đảm bảo các cam kết với địa phương và khách hàng
EVNNPC đã chuẩn bị vốn để đầu tư cho hệ thống lưới, sẵn sàng danh mục đầu tư, đặc biệt là kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo cam kết giữa ngành điện với địa phương, khách hàng.
Ngày 8/7, tại Quảng Ninh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020. Tổng giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, trong thời gian tới, dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài do tác động dịch COVID-19 vào Việt Nam sẽ tăng cao, EVNNPC cũng đã có quy hoạch, chuẩn bị vốn để đầu tư cho hệ thống lưới, sẵn sàng danh mục đầu tư, đặc biệt là kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo cam kết giữa ngành điện với địa phương, khách hàng.
*Điện thương phẩm tăng cao
Theo báo cáo của EVNNPC, trong 6 tháng qua, mặc dù gặp khó khăn do phải hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá, hoàn lưu bão, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19…, nhưng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm Tổng công ty đạt 34,5 tỷ kWh, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thành phần công nghiệp xây dựng chiếm 64,58%, tăng 4,43%; thành phần quản lý tiêu dùng chiếm 29,29%, tăng 7,24%.
Tổng giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty hiện đứng đầu so với các Tổng công ty khác trong Tập đoàn, nhưng so với kế hoạch vẫn chưa đạt yêu cầu.
"Trong thời gian tới, trong việc cải tiến kinh doanh, dịch vụ khách hàng, Tổng công ty sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra nghiệp vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hướng dẫn các công ty điện lực trong quản lý hệ thống đo đếm, công tác ghi chỉ số, kiểm soát sản lượng, phúc tra chỉ số công tơ, đặc biệt trong mùa nắng nóng quý III/2020. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sai sót trong ghi chỉ số, giải đáp vướng mắc làm sao hài lòng khách hàng.", bà Ánh cho biết thêm.
Từ đầu năm đến nay, EVNNPC cũng đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện cho 909 khách hàng trung áp, với thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành điện là 4,65 ngày, giảm 2,35 ngày so với quy định của EVN và giảm 0,35 ngày so với chỉ thị của Tổng Công ty.
Việc thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng tại các công ty điện lực đã có nhiều cải thiện, thủ tục được rút gọn. Đặc biệt, các thủ tục, quy trình đã được công khai minh bạch trên nhiều kênh thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng khi có nhu cầu cấp điện đấu nối lưới trung áp, thời gian giải quyết nhanh chóng.
6 tháng qua, Tổng công ty đã tiếp nhận 197.038 yêu cầu của khách hàng về dịch vụ điện; trong đó có 16.194 yêu cầu được đăng kí qua cổng dịch vụ công quốc gia (không tính dịch vụ thanh toán tiền điện); 14 chỉ tiêu chất lượng dịch vụ khách đều đạt so với quy định của EVN.
Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 52,11%, cao hơn kế hoạch EVN giao 2,11%; trong đó doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt 83,9%.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, toàn Tổng Công ty có 2.700 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 40,3 MWp. Sản lượng phát lên lưới lũy kế trong 6 tháng 2020 ước đạt 7,10 triệu kWh.
Đến hết tháng 6/2020, EVNNPC đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho 9,89 triệu khách hàng, với tổng số tiền 2.349,90 tỷ đồng (trước thuế).
*Đẩy nhanh tiến độ dự án
Theo EVNNPC, trong tháng 6/2020, đơn vị đã khởi công 12 công trình; đóng điện được 9 công trình. Lũy kế 6 tháng, đơn vị khởi công 37/65 công trình, đạt 56,9% kế hoạch năm và đóng điện 31/81 công trình, đạt 38,2% kế hoạch năm. Nguyên nhân do vướng mắc trong đền bù trong giải phóng mặt bằng và dịch COVID-19 nên việc thực hiện khởi công, đóng điện gặp khó khăn.
Báo cáo từ Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc), công ty này đã thực hiện đấu nối, đóng điện mang tải 87/87 trạm biến áp thuộc các công trình đầu tư xây dựng. Với các dự án điện 110kV, công ty trước khi thực hiện dự án đều có tuyên truyền tới người dân và đặt lịch làm việc với lãnh đạo địa phương để giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc PC Vĩnh Phúc cho hay, để thực hiện tốt việc triển khai các dự án, ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp với công ty và cơ quan tỉnh để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng ngay khi có quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, các địa phương cũng cần giành quỹ đất, hướng tuyến cho các dự án lưới điện 110kV và có cơ chế để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Bình Minh, Trưởng ban đầu tư Tổng công ty EVNNPC cho hay, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Tổng công ty đề nghị các nhà thầu, đơn vị tư vấn khẩn trưởng, tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ, Ban quản lý dự án đăng ký làm việc với lãnh đạo các tỉnh để cùng với Tổng công ty giải quyết các khó khăn, phát sinh trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, EVNNPC sẽ nâng cao chất lượng đầu tư từ khâu chuẩn bị đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư qua việc chấm điểm hàng tháng người đứng đầu các ban quản lý dự án và đơn vị về công tác đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng thi công: lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, các dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ thì xử lý ngay, đảm bảo các dự án khi đóng điện không còn nợ các tồn tại..
EVNNPC cũng tiếp tục kiểm tra xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện 110kV tại các đơn vị, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và cung cấp điện liên tục cho khách hàng.
Đặc biệt, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các quy trình số hóa trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, kỹ thuật, tài chính kế toán, kế hoạch.../.