Ngành điện TP. Hồ Chí Minh tiên phong phát triển lưới điện thông minh
Thực hiện Đề án Phát triển lưới điện thông minh của Chính phủ, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), là đơn vị đi đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai lưới điện thông minh và đã thực hiện thành công xây dựng lưới điện thông minh.
Lưới điện thông minh cho thành phố thông minh
Từ năm 2013, EVNHCMC là đơn vị đi đầu của EVN, trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai lưới điện thông minh. Đến nay, EVNHCMC đã thực hiện thành công xây dựng lưới điện thông minh, góp phần triển khai Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025.
Theo lãnh đạo EVNHCMC, để quản lý vận hành tự động lưới điện trên địa bàn thành phố (TP), EVNHCMC đã thành lập Trung tâm điều khiển từ xa, trung tâm này có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn TP bao gồm các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế.
Trung tâm điều khiển theo dõi sự cố mất điện, cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp và nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý như tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập hay cách ly thiết bị khỏi hệ thống. Hạt nhân của trung tâm điều khiển này là hệ thống SCADA/DMS hiện đại, được EVNHCMC đưa vào vận hành chính thức từ tháng 3/2017, với nhiều trang thiết bị và chức năng tiên tiến như: Tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng giám đốc EVNHCMC, Trung tâm điều khiển từ xa - đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên toàn quốc. Với tổ hợp thiết bị tự động lắp đặt trên lưới điện, mỗi khi có sự cố, hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí. Từ đó cô lập khu vực ngay từ xa, hạn chế ở mức thấp nhất.
Việc xây dựng thành công lưới điện thông minh đã mang lại nhiều hiệu quả… kẻ cả trong những điều kiện thời tiết đặc biệt, Phó tổng giám đốc EVNHCMC dẫn chứng, khi cơn bão đổ bộ vào TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11/2018, chỉ có 4 nhân viên trực điều hành toàn bộ hệ thống lưới điện 16 quận huyện. Nếu như trước đó, để đảm bảo an toàn phải huy động hàng chục người túc trực ngày đêm, do đặc thù ngành là khi tiếp cận gần phải có 2 người trở lên. Công nghệ đã giúp tối đa hóa năng suất lao động từ những hoạt động nhỏ nhất.
“Thậm chí, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động khó lường đến triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây nên tình trạng ngập úng đô thị, EVNHCMC còn phối hợp để thiết lập bản đồ quản lý các điểm có nguy cơ ngập, lắp camera theo dõi thường xuyên để kịp thời đánh giá tình hình thực tế và lên phương án vận hành lưới” - ông Thanh cho hay.
Thực tế cho thấy, xây dựng một hệ thống lưới điện thông minh (thực hiện đồng bộ trên cả lĩnh vực quản lý vận hành lưới điện và dịch vụ khách hàng), đã nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động và tư vấn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Lưới điện thông minh “đi trước” là điều kiện để TP. Hồ Chí Minh có thể về đích sớm trong quá trình xây dựng một TP thông minh.
Ứng dụng công nghệ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Thời gian qua, EVNHCMC đã tập trung vào công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển lưới điện theo mô hình lưới điện thông minh, nhằm mang đến hiệu quả và lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Theo đó, Đề án Lưới điện thông minh được triển khai từ năm 2016 nhằm xây dựng một hệ thống lưới điện tiên tiến, quản lý nhu cầu điện năng theo thời gian thực tế, chất lượng điện tin cậy, ổn định và liên tục. EVNHCMC đã hoàn tất việc xây dựng Hệ thống điều hành lưới điện hiện đại (SCADA/DMS). Hiện 100% các trạm 110 kV được điều hành từ xa (trong đó đã rút người hoàn toàn cho 40/54 TBA, số còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2019).
Ngoài ra, EVNHCMC đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22kV, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Đặc biệt, tổng công ty đã tự nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110kV, 22kV bằng vòi nước áp lực cao (rửa sứ online) để phục vụ công tác bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Đặc biệt, EVNHCMC đã phát triển hệ thống Smart Grid nhằm trợ giúp phát triển nguồn năng lượng tái tạo, cũng như nhằm giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện, đảm bảo mỹ quan và an toàn hệ thống điện; tối ưu hóa vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối kể cả giảm chi phí đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, chống sự cố mất điện diện rộng….
Như vậy, sau quá trình triển khai các giải pháp công nghệ mới đã mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật, độ tin cậy lưới điện được nâng cao với chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình một khách hàng) của 9 tháng đầu năm 2019 là 0,64 lần, tốt hơn 50,51% và chỉ số SAIDI (số thời gian mất điện trung bình của 1 khách hàng) là 47,49 phút tốt hơn 53,22% so với cùng kỳ năm 2018…
Hiện EVNHCMC đang hỗ trợ miễn phí công tác kết nối các dự án hệ thống điện mặt trời do khách hàng đầu tư vào lưới điện trên địa bàn TP; Ứng dụng hệ thống đo đếm dữ liệu công tơ điện tử từ xa, phấn đến năm 2020 sẽ có 68% khách hàng được đo xa và đến năm 2022 sẽ có 100% khách hàng được đo xa.
Những thành công mà EVNHCMC nói riêng và của EVN nói chung đạt được trong việc triển khai lưới điện thông minh, đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện và góp phần tối ưu hóa công tác quản lý, chi phí vận hành lưới điện… đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.