Ngành du lịch Nhật Bản lao đao vì quyết định hoãn Olympic
Việc hoãn tổ chức Olympic 2020 giáng một đòn chí mạng vào ngành du lịch nói chung và các khách sạn Nhật Bản nói riêng, vốn đang quay cuồng với tác động của đại dịch Covid-19.
Với các nhà điều hành tour du lịch, nhà tài trợ sự kiện, người bán hàng, hãng phim, việc hoãn Thế vận hội Olympic 2020 ở Tokyo đã làm dấy lên mối lo ngại về nền kinh tế Nhật Bản và thế giới.
Các nhà kinh tế ước tính chi phí trì hoãn Thế vận hội Olympic 2020 nằm trong khoảng 5,4-18 tỷ USD và chi phí hủy bỏ dao động từ 37-72 tỷ USD. Việc hoãn tổ chức sự kiện thể thao hàng đầu thế giới cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch đang lan nhanh qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh đẩy nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái, thậm chí trầm cảm.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm Thế vận hội bị trì hoãn giữa thời bình. Thế vận hội mùa hè bị hủy bỏ ba lần vào năm 1916, 1940, 1944 và mùa đông hai lần, vào năm 1940 và 1944, tất cả là do chiến tranh.
Du lịch Nhật Bản bị đình trệ
Năm 2019, 31,9 triệu người đến thăm Nhật Bản, thu về 43,6 tỷ USD. Nhưng vào tháng 2, khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều quốc gia đóng biên giới, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà phân tích dự đoán đây là một năm thảm khốc cho ngành du lịch.
Takayuki Miyajima, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho, cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán 34 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2020, nhưng điều đó chắc chắn không thể xảy ra nữa".
Ban tổ chức Thế vận hội dành khoảng 46.000 phòng khách sạn gần địa điểm diễn ra Olympic cho các thành viên của cơ quan quản lý thể thao và vận động viên tham gia Thế vận hội. Toàn bộ phòng đã đặt đều bị hủy bỏ.
Eiha Jo, người sáng lập công ty du lịch China Enterprise có trụ sở tại Tokyo, cho biết số lượng khách du lịch Trung Quốc cao cấp đến Nhật Bản để chơi golf, tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mạnh so với con số 600 vào năm 2019. "Ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với ngành du lịch là vô cùng nghiêm trọng và Olympic bị hoãn thậm chí còn tệ hơn", ông nói.
Đại dịch tàn phá các thành phố phụ thuộc nhiều vào khách du lịch, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc như Osaka. Hiệp hội Nhà nghỉ, Khách sạn Nhật Bản dự kiến hàng loạt khách sạn kinh doanh tầm trung trên cả nước có thể tuyên bố phá sản trong năm nay nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và chính phủ không can thiệp.
Du khách đồng loạt hủy phòng
Dù tỉ lệ hủy phòng tăng lên do đại dịch, nhiều chủ khách sạn cho biết họ vẫn đặt niềm hy vọng rằng Thế vận hội sẽ giúp giảm bớt tổn thất trong năm nay. Vì vậy, sự trì hoãn giáng một đòn chí mạng vào ngành du lịch nói chung và các khách sạn Nhật Bản nói riêng, vốn đang quay cuồng với tác động của đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, số lượng đặt phòng giảm tới 90% trong khoảng thời gian tháng 3-4. Cơ quan này liên tục nhận các cuộc gọi từ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên cả nước. "Chúng tôi thường xuyên nhận yêu cầu tư vấn những khó khăn về dòng tiền và duy trì việc làm", một quan chức nói với AFP.
Shigemi Sudo, Tổng thư ký của khách sạn Tokyo và Hiệp hội Ryokans, đưa ra dự đoán: "Nhiều phòng sẽ bị hủy bỏ và rất khó để giải quyết vấn đề vắng khách trong điều kiện hiện nay". Việc trì hoãn và chưa ấn định ngày tổ chức khiến ngành dịch vụ nước này rơi vào tình trạng khập khiễng đợi chờ.
Khách sạn Imperial ở trung tâm Tokyo được xây dựng để phục vụ nhu cầu của Thế vận hội, dự kiến khai trương vào ngày 24/7 đang chờ hướng dẫn.
Trả lời AFP, người phát ngôn của chuỗi khách sạn Via Inn cho biết tình hình đặt ra câu hỏi hóc búa chưa từng có trong việc thu hồi các khoản lỗ và lấp đầy phòng khách sạn. "Thông thường chúng tôi sẽ thu phí hủy, nhưng trường hợp này không phải là lỗi của khách hàng, chúng tôi không thể yêu cầu điều đó", người này nói.
Momoka Matsui, chủ nhà trọ gần chợ Nishiki nổi tiếng, đều đặn nhận các cuộc gọi hủy phòng trong những tuần gần đây. Khách sạn của Matsui thường bận rộn nhất vào mùa xuân, khi hoa anh đào nở rộ. Tuy nhiên, gần như tất cả các nhóm lớn đặt phòng trước nhiều năm đã hủy hoặc trì hoãn các chuyến đi do virus. Gần 100 nhân viên khách sạn này được yêu cầu ở nhà để nhận trợ cấp của chính phủ, khoảng 2/3 số tiền lương của họ.
Quyết định hoãn Olympic vẫn tốt hơn hủy
Các nhà phân tích Nhật Bản đặt hy vọng sự kiện thể thao hàng đầu thế giới làm trẻ hóa nền kinh tế. Yasu Leather Yajima, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI-đơn vị bảo hiểm nhân thọ lớn nhất của Nhật Bản, cho biết quyết định hoãn tổ chức Thế vận hội thổi bay kịch bản nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong năm nay. "Tuy nhiên, việc hoãn lại rõ ràng tốt hơn hủy bỏ sự kiện. Đây là một cứu cánh cho Nhật Bản, ông này nói.
Tác động của dịch Covid-19 có thể còn kéo dài nhưng lợi ích kinh tế từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho sự kiện thể thao không hề bị mất đi. Các công ty trên khắp thế giới mong đợi thu về lợi nhuận. Họ hy vọng hàng hóa có thể giữ được và đơn hàng sẽ quay trở lại khi Thế vận hội diễn ra vào năm 2021.