Ngành du lịch Pakistan thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu

Các khách hàng đến từ Đông Âu đã yêu cầu hướng dẫn viên du lịch Adil Lahorei phải đi về phía Bắc ngay lập tức sau khi họ không thể chịu đựng thêm nhiệt độ lên tới 40 độ C ở Lahore, thủ phủ của bang Punjab, Pakistan.

Vào tháng 5, Pakistan đã xuất hiện tháng 4 nóng nhất trong 61 năm. Tháng 3 là tháng khô hạn thứ chín kể từ năm 1961.

Hướng dẫn viên Adil chia sẻ với trang Al Jazeera: "Thông thường hành trình của khách du lịch nước ngoài bao gồm việc ở lại Lahore vài ngày. Một số người thậm chí còn đi xuống các vùng phía nam của Punjab, và sau đó họ rời đi đến phía bắc sau một tuần hoặc lâu hơn. Nhưng năm nay khách đến vào tháng 4, thậm chí từ tháng 3 đã muốn lên vùng núi mát mẻ ngay".

Các nhà chức trách Pakistan đã đưa ra cảnh báo rằng nhiệt độ có thể tăng thêm 9 độ C so với mức bình thường. Điều này đã khiến ngành du lịch của Lahore – nơi quen đón khách nước ngoài cho đến cuối tháng 5 – đã bị sốc nặng.

Trong khi nhiệt độ tăng cao đã đẩy du khách rời khỏi Lahore, du khách ngày càng bị thu hút đến phía Bắc không chỉ do thời tiết mát mẻ mà còn do các sông băng tan sớm và các điểm tham quan du lịch mở cửa nhanh hơn bình thường. Khi băng tan, các con đèo như Babusar, Deosai và Khunjerab có thể đi qua được và khách du lịch sẽ tiếp cận được vô số hồ nước, công viên và các danh lam thắng cảnh khác.

"Đèo Khunjerab mở cửa vào thời điểm này trong năm là điều chưa từng có. Nhưng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, mùa du lịch của các khu vực vùng núi phía Bắc đang bắt đầu sớm hơn. Trong khi đó, tôi chỉ có một du khách du lịch duy nhất vẫn muốn đến Lahore trong mùa hè, "Adil nói.

Du lịch Pakistan bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan và cách biên giới Ấn Độ 25 km (15 dặm), đã là một trung tâm văn hóa trong nhiều thế kỷ, với nhiều di sản kiến trúc mà người Anh và người Mughals đã mang lại cho vùng đất này. Tuy nhiên, mong muốn hàng thập kỷ của du khách toàn cầu để khám phá lịch sử phong phú của Lahore đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Khí hậu thay đổi đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Pakistan. Ảnh: Al Jazeera.

Khí hậu thay đổi đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Pakistan. Ảnh: Al Jazeera.

Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 nhằm vào Mỹ, thành phố này - giống như phần còn lại của Pakistan - đã hứng chịu nhiều làn sóng tấn công. Sau khi tình hình tạm thời ổn định, an ninh được lập lại và một lượng lớn khách du lịch cũng đã quay lại. "Du lịch đã bắt đầu phát triển ở Pakistan và đặc biệt là ở Lahore vào cuối thập kỷ trước. Nhưng sau đó Covid-19 đã xảy ra" - Adil nói.

Trong khi ngành du lịch toàn cầu bị chao đảo bởi đại dịch virus corona, đại dịch này cũng là một đòn giáng mạnh vào Pakistan, quốc gia mới chỉ bắt đầu phục hồi. Bất chấp thành công tương đối trong việc chống lại Covid-19, đại dịch này cũng là lời cảnh tỉnh về khí hậu cho Lahore.

'Thành phố ô nhiễm nhất'

Bầu trời xanh hơn trong thời gian thành phố đóng cửa đã cho thấy sự ô nhiễm nghiêm trọng từ hoạt động vận tải hàng ngày ở đây. Thường ngày, khói bụi bao trùm Lahore đến mức không thể xử lý được trong suốt khoảng thời gian giữa mùa thu và mùa đông. Du lịch do đó cũng bị ảnh hưởng khi Lahore trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào khoảng tháng 11 và tháng 12.

Tauqeer Qureshi, cựu giám đốc Cục Bảo vệ Môi trường của bang Punjab, cho biết: "Trong trường hợp bất kỳ ai muốn xem xét các tác động có hại của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, Lahore là một ví dụ tuyệt vời.

Qureshi thông tin với Al Jazeera rằng việc không thực hiện các quy định về môi trường và thiếu chính sách sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường của Pakistan và sẽ tiếp tục khiến nước này gặp khó khăn với ngành du lịch.

Nhà môi trường Saima Baig cho biết hoàn cảnh của Lahore không thể điều chỉnh được vì khí thải công nghiệp, việc đốt tàn dư cây trồng, lò gạch và chất thải nói chung tiếp tục không được kiểm soát.

Bà Saima Baig nói với Al Jazeera: "Tất cả những điều này có thể được đảo ngược bằng các chính sách tốt về môi trường nhằm hạn chế các ngành công nghiệp phát thải, làm việc với nông dân để ngăn họ đốt ruộng và tìm các giải pháp thay thế, cũng như đưa ra một chính sách quản lý chất thải hiệu quả hơn".

"Bảo dưỡng phương tiện và thúc đẩy sử dụng xe điện cũng nên là một phần của chính sách khí hậu tổng thể của Pakistan. Trong khi năng lượng mặt trời đang được thúc đẩy hiện nay, điều cần thiết là phải xem xét các công nghệ tái tạo khác như năng lượng gió và thậm chí cả năng lượng sóng [để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu]", theo chuyên gia này.

'Một cuộc cách mạng xanh'

Không có gì minh họa cuộc khủng hoảng khí hậu của Lahore tốt hơn việc ngồi tầng trên của các chuyến xe buýt tham quan thành phố do Tổng công ty Phát triển Du lịch Punjab (TDCP) điều hành.

Abid Shaukat, nhân viên quan hệ công chúng của TDCP, cho biết việc bán vé cho xe buýt hai tầng này bị ảnh hưởng bởi những thách thức nhiều mặt về môi trường của Lahore.

"Tầng thượng xe buýt lộ thiên là nơi bạn có được tầm nhìn đẹp nhất. Nhưng ngay từ tháng Ba, nhiều người nhận thấy tầng trên quá nóng và thay vào đó thích tầng dưới, đóng cửa, có máy lạnh", Shaukat nói với Al Jazeera. "Tương tự, khi có khói bụi, nhiều người không muốn ngồi tầng trên."

Nhu cầu của du khách khi mua vé xe buýt 2 tầng phản ánh rõ tình trạng khí hậu nơi đây. Ảnh: Al Jazeera.

Nhu cầu của du khách khi mua vé xe buýt 2 tầng phản ánh rõ tình trạng khí hậu nơi đây. Ảnh: Al Jazeera.

Chuyên gia phát triển du lịch Ashfaq Khan cho biết khi ông nghiên cứu lĩnh vực này ở châu Âu cách đây 4 thập kỷ, người ta đã dạy rằng thời tiết là yếu tố chính. Khan nói: "Nhưng quy hoạch đô thị ở Lahore vẫn tiếp tục được thực hiện như thể cố tình làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

"Họ đang tiếp tục thay thế vùng nông thôn xanh tươi bằng xi măng. Tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi nói với khách của mình là "Chào mừng đến với Thành phố của những khu vườn", anh nói với Al Jazeera.

"Mọi người Pakistan nên trồng một cái cây. Đất nước cần một cuộc cách mạng xanh… Du lịch, hay bất cứ thứ gì sẽ không thịnh vượng nếu chúng ta không xác định được các ưu tiên của mình ngay lập tức. "

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nganh-du-lich-pakistan-thiet-hai-nang-ne-do-bien-doi-khi-hau-20220606153949047.htm