Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh làm gì để vực dậy sau dịch Covid-19?

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, với tổng thu năm 2019 đạt trên 140.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngành du lịch TP gần như bị tê liệt hoàn toàn, doanh thu giảm 71%, hơn 90% doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngưng hoạt động. Đặc biệt, đến nay có hơn 20.000 người hoạt động trong ngành này không còn việc làm.

 Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Huy Chương

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Huy Chương

Chủ động ứng phó ngay từ đầu

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch giảm tác động đối với ngành Du lịch TP trong và sau dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ngành Du lịch TP đã tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu TP Hồ Chí Minh là điểm đến “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn”.

Đặc biệt, thông qua 10.000 bức thư của UBND TP gửi du khách đến TP. Qua đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thúc đẩy công tác tuyên truyền, kêu gọi sự hợp tác của du khách trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như xây dựng hình ảnh điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp với Sở Ngoại vụ và UBND các quận, huyện thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP, không để xảy ra tình trạng kỳ thị đối với người nước ngoài, nhất là công dân một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..." - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Du lịch, tính đến thời điểm hiện nay, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổng hợp danh các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn bị thiệt hại sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 gây ra có nhu cầu vay vốn.

Trên cơ sở đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch Covid-19 và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Đặc biệt, Sở Du lịch đã khẩn trương triển khai công tác đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đề xuất UBND TP đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, Sở Du lịch tập trung đa dạng nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế.

Tập trung xây dựng tour nội địa, đào tạo nguồn nhân lực

Theo ông Mai Đình Dũng - Phó GĐ Cty TNHH Dịch vụ Du lịch Thảo Điền (quận 2): Hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại đối với ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đó là tâm lý e ngại sợ dịch bệnh và khó khăn tài chính của du khách. Do đó, những tour nội địa ngắn ngày, gần nhà là nhu cầu rất cao của du khách nội địa đang đặt ra với các công ty lữ hành du lịch.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng, với những điều kiện và nhu cầu thực tế của thị trường du lịch hậu Covid-19, những đơn vị lữ hành như chúng tôi mong muốn sở Du lịch TP, Tổng cục Du lịch liên kết và tổ chức các chương trình kích cầu du lịch với từng vùng, tỉnh có những điểm du lịch nổi tiếng để có giá cả đồng bộ, hợp lý và chất lượng.

"Còn đối với công ty Du lịch Thảo điền chúng tôi, trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác đối tượng khách trong nước mỗi tour có thể giảm giá từ 10 - 30% cho mỗi khách, đoàn khi tham quan" - ông Dũng chia sẻ thêm.

 Trong thời gian tới ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nên tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ảnh: Huy Chương

Trong thời gian tới ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nên tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ảnh: Huy Chương

Trong khi đó, cựu Trợ lý Giám đốc công ty Indochina Tourist & Trade Nguyễn Hoàng Thy cho rằng: Thị trường du lịch outbound và nội địa vào dịp hè sẽ không phát triển vì đây là thời điểm ngay sau dịch bệnh, nguồn quỹ dự phòng của các gia đình cũng vơi đi do các chính sách về giảm lương, giảm nhân sự của các công ty. Vì vậy, ngành du lịch nên tập trung du lịch mùa đông năm 2020, du lịch nội địa có thể khôi phục lại vào dịp Tết, còn inbound và outbound sẽ tập trung vào những thị trường gần, do kinh tế mới nhen nhóm trở lại, nhu cầu chưa cao và còn vì tâm lý rủi ro dịch bệnh.

Mặt khác, ở lĩnh vực nguồn nhân lực phục vụ du lịch sẽ có nhu cầu tăng cao ở tất cả nhóm ngành. Cùng với sự hồi phục của ngành du lịch sau dịch Covid-19, các công ty du lịch sẽ tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động trở lại.

Liên quan đến nội dung này, thạc sĩ Lê Minh Phương - Phó Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Hoa Sen phân tích, hiện nay hầu hết công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã cắt giảm nhân sự và triển khai nhiều giải pháp nhân sự phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong đó, nhiều công ty áp dụng hình thức chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp và tự do kiếm việc khác chứ không còn hình thức nghỉ không lương nữa.

Chính vì vậy, sau dịch Covid-19, các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành có thể tuyển nhóm đã bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh trước đó hoặc nhóm nhân sự mới như sinh viên vừa tốt nghiệp trẻ, giỏi, năng động, khát khao cống hiến. Điều này, sẽ thúc đẩy thị trường lao động trong ngành Du lịch sôi động và hấp dẫn trở lại.

YÊN NỘI

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-nganh-du-lich-phai-lam-gi-de-vuc-day-sau-dai-dich-covid-19-383124.html