Ngành Dự trữ Nhà nước và bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Ngày 15/3/2022, lần đầu tiên Tổng cục Dự trữ Nhà nước chính thức thực hiện đấu thầu đồng bộ một lần trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với 195 gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2022. Đây là bước đột phá của ngành Dự trữ Nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời khắc phục triệt để hạn chế của hình thức đấu thầu rộng rãi không qua mạng Internet.

Điện tử hóa quy trình đấu thầu

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu mua 220.000 tấn gạo và 40.000 tấn thóc, tăng 30.000 tấn so với năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh dịch bệnh và tăng cường nguồn lực DTQG, đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách được Nhà nước giao.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục DTNN đã triển khai đồng bộ các quy trình theo đúng quy định của pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia.

Cũng theo đại diện của Tổng cục DTNN, thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo 22 cục DTNN khu vực thống nhất thực hiện lựa chọn nhà thầu mua gạo DTQG trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống). Để chuẩn bị cho công tác đấu thầu mua gạo qua mạng kế hoạch năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, Tổng cục DTNN đã phổ biến, quán triệt đến các cán bộ công chức có liên quan đến hoạt động đấu thầu thực hiện việc nghiên cứu, nắm vững quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó tập trung vào các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, Tổng cục DTNN đã phối hợp Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tập huấn cho tất cả chủ thể tham gia đấu thầu, tác nghiệp thử nghiệm, lường trước các tình huống,… để việc tổ chức thực hiện được thống nhất, chặt chẽ và có hiệu quả.

Kiểm tra công tác bảo quản gạo dự trữ quốc gia tại Chi cục Dự trữ nhà nước Việt Trì. Ảnh: Đức Minh

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, vào ngày 15/3/2022, các cục DTNN khu vực thực hiện đóng thầu, mở thầu của tất cả 195 gói thầu mua 220.000 tấn gạo kế hoạch năm 2022, kết quả đóng thầu đã có tổng số 66 nhà thầu tham gia dự thầu tại 195 gói thầu nêu trên, trong đó gói thầu có số nhà thầu tham dự thấp nhất là 2 nhà thầu/gói, cao nhất là 12 nhà thầu/gói. Các gói thầu đều thu hút đông đảo nhà thầu tham gia cạnh tranh. Đến nay đã ký hợp đồng được 93% kế hoạch.

“Đấu thầu qua mạng hiện nay được coi là xu hướng tất yếu sẽ được áp dụng lâu dài trong mua sắm công, không chỉ tạo môi trường cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho cả bên mời thầu và nhà thầu mà còn góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam hiện nay”, đại diện lãnh đạo Tổng cục DTNN nhận xét.

Tiếp tục chấm điểm “uy tín nhà thầu”

Trong đợt đầu thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2022, Tổng cục DTNN tiếp tục thực hiện chấm điểm “uy tín nhà thầu”, nhằm đảm bảo công bằng, tăng tính cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp gạo.

Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng như thực tế tình hình đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia trong các năm qua, tại hồ sơ mời thầu mua gạo năm 2022, các cục DTNN khu vực tiếp tục thực hiện quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu như năm 2021.

Đã xuất cấp 60.393 tấn gạo hỗ trợ cho các địa phương

Đến ngày 22/4/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã giao các cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp 60.393 tấn gạo cho các địa phương; gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 13.959 tấn cho 16 tỉnh; hỗ trợ giáp hạt đầu năm 5.735 tấn cho 10 tỉnh; hỗ trợ mưa lũ 3.738 tấn cho 3 tỉnh; hỗ trợ dự án rừng 1.888 tấn cho tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ dịch Covid-19 là 1.869 tấn gạo cho 3 tỉnh; hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2021-2022 là 33.203 tấn cho 43 tỉnh (tiến độ xuất gạo đến ngày 22/4/2022 là 28.814 tấn/33.203 tấn; số gạo còn lại xuất cấp đến ngày 15/5/2022).

Theo đại diện Tổng cục DTNN, việc chấm điểm uy tín nhà thầu trên cơ sở thống kê danh sách uy tín nhà thầu trong việc cung cấp hàng dự trữ quốc gia trong thời gian 5 năm (thời hạn xác định hành vi là vi phạm tính từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2021) được đánh giá bằng phương pháp chấm điểm (thang điểm cụ thể cho từng tiêu chí) theo các tiêu chí, các nhóm hành vi vi phạm của nhà thầu.

Cụ thể, nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các cục DTNN khu vực nhưng đã có hành vi giao hàng chậm hoặc đã giao hàng nhưng không đảm bảo chất lượng và bị từ chối nhập hàng. Nhà thầu có hành vi này được chấm 70 điểm uy tín.

Nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) đã được các cục DTNN khu vực phê duyệt trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng. Nhà thầu có hành vi này được chấm 50 điểm uy tín.

Nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) không vi phạm 2 nhóm hành vi trên được chấm 100 điểm uy tín.

Theo cách tính điểm nêu trên, nhà thầu uy tín cao hơn sẽ được chấm điểm kỹ thuật cao hơn. Điểm uy tín chỉ là một trong nhiều tiêu chí khi đánh giá hồ sơ để lựa chọn nhà thầu. Đại diện lãnh đạo Tổng cục DTNN cho rằng, việc đánh giá chấm điểm uy tín nhà thầu nêu trên để bảo đảm công khai minh bạch trong hồ sơ mời thầu; không phải là “loại nhà thầu” mà để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu căn cứ vào điểm tổng hợp được tính toán trên cơ sở điểm kỹ thuật và giá dự thầu của nhà thầu.

Nhiều lợi ích khi đấu thầu mua gạo dự trữ qua mạng

Qua tìm hiểu và nắm bắt thông tin từ các cục DTNN khu vực cho thấy, việc áp dụng thực hiện hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với mua gạo DTQG mang lại hiệu quả cho các bên tham gia đấu thầu, khắc phục được một số tồn tại, hạn chế của hình thức đấu thầu rộng rãi trực tiếp (không qua mạng). Cụ thể:

Thứ nhất, thông tin trong đấu thầu được đăng tải công khai; bên mời thầu phải phát hành miễn phí và công khai tất cả các hồ sơ mời thầu trên hệ thống, từ đó tất cả các nhà thầu có nhu cầu tham dự đều có cơ hội tiếp cận thông tin mời thầu nhanh chóng, chính xác như nhau, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu.

Thứ hai, bảo đảm minh bạch trong đấu thầu, tất cả các thông tin về việc đăng hồ sơ dự thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và lý do nhà thầu không được lựa chọn đều được đăng tải công khai trên Hệ thống để các nhà thầu được biết và có quyền kiến nghị khi nhận thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các thông tin về tư cách hợp lệ, năng lực của nhà thầu được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên hệ thống, các nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các thông tin này. Bên mời thầu có thể dễ dàng tra cứu, kiểm tra thông tin nhà thầu nên hạn chế tình trạng nhà thầu kê khai không trung thực để tìm kiếm lợi thế so với các nhà thầu khác.

Thứ ba, giảm thiểu th ời gian và chi phí thủ tục mang tính hành chính cho bên mời thầu và nhà thầu, với điều kiện bảo đảm hạ tầng máy tính kết nối internet, việc đăng tải, phát hành hồ sơ mơìE-HSMT và nộp E-HSDT hoàn toàn được các bên thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-du-tru-nha-nuoc-va-buoc-dot-pha-trong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-104414.html