Ngành GD&ĐT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; vinh danh nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú; đồng thời đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất.
Lễ kỷ niệm vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thanh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành ủy, HĐND - UBND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội các thời kỳ, lãnh đạo ngành GD&ĐT các địa phương và cán bộ quản lý của hơn 2.900 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, các Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, nhà giáo tâm huyết sáng tạo, nhà giáo tiêu biểu, học sinh xuất sắc năm 2024.
Khẳng định sứ mệnh của ngành GD&ĐT Thủ đô
Tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ôn lại hành trình 70 năm ra đời, phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình và đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước, mạnh mẽ, tự tin, vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.
Sự phát triển của giáo dục Hà Nội qua hành trình 70 năm truyền thống là tấm gương phản chiếu sự lớn mạnh của Thủ đô. Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành GD&ĐT; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước
Khi mới thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn. Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao cả đại trà và mũi nhọn; học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; giữ vững và đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong những năm qua, nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua đã được ngành GD&ĐT Thủ đô triển khai hiệu quả và mang dấu ấn riêng.
Với những nỗ lực không ngừng trong hành trình 70 năm, ngành GD&ĐT Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu của Đảng và Nhà nước, trong đó 2 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý...
Ngành GD&ĐT Thủ đô đã hoàn thành trọng trách phát hiện và bồi dưỡng những tài năng, đồng thời giáo dục các thế hệ học sinh Thủ đô trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp trí tuệ của mình vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Ghi nhận những thành tựu đột phá, xuất sắc nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Giáo dục Thủ đô hướng tới nền giáo dục thanh lịch
Khẳng định ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục Thủ đô đứng trước đòi hỏi cao, yêu cầu cao, chuẩn cao, ở tính mẫu mực, tính tiên phong, ở chất lượng hàng đầu và là tấm gương, hình mẫu cho giáo dục cả nước. Vì vậy, những gì giáo dục Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua cần phải tính với cấp số nhân và giá trị gia tăng trong mọi sự ghi nhận và đánh giá. Để có những kết quả to lớn đó, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phần rất quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của lãnh đạo TP, Thành ủy, HĐND, UBND và cả hệ thống chính trị TP.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành giáo dục cả nước, cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành. Một trong những thách thức lớn là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng và biến đổi không ngừng. Cùng với đó là rất nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục, trong đó việc triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả các bậc học trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế.
Ngoài ra, giáo dục Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: học sinh tập trung đông, phân bố không đều và nhiều biến động; tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực; khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường thuộc nội thành và ngoại thành còn khá lớn; thiếu không gian, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới….
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng: trong thời đại mới, kế tục bề bày truyền thống nghìn năm trước đây, truyền thống 70 năm thời hiện đại, ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục là mẫu mực và tiên phong cho giáo dục cả nước. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cộng đồng. Đó là những công dân có phẩm chất văn hóa cao, kỹ năng về khoa học công nghệ, văn minh thanh lịch trong thời đại số, tốt chuyên môn, giỏi ngoại ngữ. Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch; trong đó có những trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch...
Quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành GD&ĐT Thủ đô trong 70 năm qua; đồng thời cảm ơn những đóng góp quý giá của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thầy, cô giáo, học sinh đã không ngừng cố gắng phấn đấu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể, cần tiếp tục chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm đức, trí, thể, mỹ), làm tốt việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống nhằm tạo ra những con người thực sự có đức, có tài, phục vụ Nhân dân và Tổ quốc.
Ngành phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét, sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống; nâng cao công tác tuyên truyền, chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn tới các học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, ngành tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao.
Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.
“Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp GD&ĐT, phát huy và tạo điều kiện tốt nhất cho con em chúng ta, từ đó hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới, góp phần đưa đất nước ta, dân tộc ta tiến cùng thời đại…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, ngành GD&ĐT Hà Nội vinh danh 56 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 (1 Nhà giáo Nhân dân và 55 Nhà giáo Ưu tú).
Nhà giáo được vinh danh Nhà giáo Nhân dân là Đại tá, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh (sinh năm 1935), Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu.
55 Nhà giáo Ưu tú được vinh danh là những cán bộ quản lý, nguyên cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên tiêu biểu của toàn ngành, ở các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các Phòng GD&ĐT.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-gddt-ha-noi-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat.html