Ngành giáo dục 'bắt tay' thực hiện nhiệm vụ của năm học mới

Ngay sau Lễ khai giảng diễn ra sáng 5.9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới, tiếng trống khai trường vang lên cũng là lúc ngành giáo dục 'bắt tay' vào thực hiện nhiệm vụ của năm học mới.

Lễ khai giảng gọn nhẹ, lấy học sinh làm trung tâm

Nếu như năm học trước, lễ khai giảng tại nhiều địa phương chỉ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trên sóng truyền hình, thầy và trò ngậm ngùi "gặp gỡ" qua màn hình máy tính, thì năm nay, khoảng cách ấy đã được xóa nhòa. Niềm vui chào đón năm học mới đã hiện hữu trong một lễ khai giảng trực tiếp, với những nghi thức vừa quen thuộc vừa thiêng liêng.

Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Dịch Vọng B trong ngày khai giảng

Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Dịch Vọng B trong ngày khai giảng

Ghi nhận tại Hà Nội, năm nay, các nhà trường đều tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy hân hoan, rộn ràng, tạo tâm lý hứng khởi cho học sinh, sẵn sàng bước vào năm học mới. Tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca đầy xúc động, thì thầy và trò nhà trường chính thức đón hơn 460 học sinh lớp 1. Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường mong rằng: “Khai giảng năm học mới, niềm vui của các em học sinh không chỉ là trường mới, lớp mới mà còn mang theo hy vọng về một năm học mới nhiều trải nghiệm mới. Không những thế, với niềm tự hào và truyền thống học sinh Dịch Vọng B, các em lớp 1 sẽ nhanh chóng hòa nhập và tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của học sinh nhà trường…”.

Sau 1 năm phải đón năm học mới qua màn hình máy tính, năm nay được gặp thầy cô và dự lễ khai giảng tại trường nên cảm xúc của nhiều em học sinh cũng hân hoan khó tả. Em Phạm Minh Châu, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết: “Ký ức về lễ khai giảng trực tuyến những ngày tháng 9 năm trước giúp thầy và trò trân trọng hơn ý nghĩa của một buổi lễ khai giảng được hội tụ trực tiếp. Hôm nay em dậy từ khá sớm, chuẩn bị tươm tất và đến trường. Năm nay là năm học cuối cấp nên em mong sao bản thân cùng các bạn sẽ thi đỗ vào ngôi trường THPT mà mình mong muốn cũng như cùng bạn bè lưu lại những ngày tháng cuối cùng trước khi chuyển cấp”.

Bắt tay” vào nhiệm vụ của năm học mới

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình mới triển khai ở cả ba cấp học: lớp 1, 2, 3 (tiểu học), lớp 6, 7 (THCS) và lớp 10 (THPT). Vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 trong cùng một cấp học là thách thức đối với ngành giáo dục trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trường lớp, giáo viên.

Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Thế Đại

Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Thế Đại

Cùng với việc thực hiện chương trình mới, các nhà trường phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, đặc biệt là đổi mới quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn. Lấy việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là "trục chính" để triển khai các hoạt động đổi mới theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học...

Năm học này, với chủ đề “Đồng hành - Bứt phá”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ, năm học mới lại mở ra trước mắt thầy và trò những thời cơ mới và những mục tiêu phấn đấu mới với muôn vàn thách thức mới. “Với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác trong học tập rèn luyện của học sinh và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường; sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ học sinh, nhà trường chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Nguyễn Thị Hiền bày tỏ quyết tâm.

Chia sẻ nhân dịp đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, một năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những việc ngành giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại. Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông. Thách thức của việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của việc phổ cập. Thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước. Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội vẫn luôn là thách thức rất lớn đối với toàn ngành.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Và rất mong các phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.

Khải Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/nganh-giao-duc-bat-tay-thuc-hien-nhiem-vu-cua-nam-hoc-moi-i299958/