Ngành giáo dục Cam Lộ chú trọng chuyển đổi số

Huyện Cam Lộ được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục. Thông qua việc số hóa trường, lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng trường học thông minh, chất lượng giáo dục của huyện không ngừng tăng lên.

 Trường THCS Trần Hưng Đạo huyện Cam Lộ là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác chuyển đổi số - Ảnh: T.P

Trường THCS Trần Hưng Đạo huyện Cam Lộ là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác chuyển đổi số - Ảnh: T.P

Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Cam Lộ hiện là đơn vị được trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và hành chính. Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Đinh Thị Thủy cho hay, những năm qua, nhà trường luôn nỗ lực trong việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.

Đến nay, 100% nhân viên, giáo viên của trường đã ứng dụng được CNTT, có máy tính riêng để làm việc và đều thực hiện qua môi trường mạng, đảm bảo thông tin hai chiều, đáp ứng yêu cầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong xử lý, giải quyết hồ sơ. Nhà trường đã khai thác và sử dụng có hiệu quả cổng thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật thông tin, viết bài và đưa tin hoạt động nhằm lan tỏa rộng rãi hình ảnh của nhà trường đến phụ huynh và học sinh.

Cùng với đó, trường cũng đẩy mạnh số hóa hồ sơ hoạt động giáo dục, sổ điểm và chữ ký điện tử. Ký hợp đồng mua các phần mềm của VNPT về sổ điểm điện tử, chữ ký số để triển khai học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, giảm chi phí in ấn cho giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022, Trường THCS Trần Hưng Đạo đã tiến hành giao dịch qua phần mềm của hệ thống ngân hàng, ví điện tử của VNPT, từ đó bước đầu giúp phụ huynh tiếp cận với chuyển đổi số trong đóng góp các khoản thu theo quy định. Đa phần giáo viên nhà trường đánh giá việc ứng dụng các phần mềm đã giúp giảm bớt hồ sơ giấy, để họ có thêm thời gian nghiên cứu về chuyên môn, tiến độ công việc cũng vì thế triển khai nhanh hơn.

“Nhà trường tích cực chỉ đạo sử dụng, hoàn thiện các chương trình, phần mềm phục vụ cho lộ trình số hóa. Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý thu phí, thanh toán học phí trực tuyến… Chúng tôi hướng tới đăng ký tuyển sinh online, sử dụng hồ sơ điện tử, khai thác tốt cổng thông tin điện tử của nhà trường, đào tạo và bồi dưỡng kỹ thuật, công nghệ số cho cán bộ, giáo viên”, cô Thủy chia sẻ.

Được biết không riêng Trường THCS Trần Hưng Đạo mà nhiều trường học khác trên địa bàn cũng đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong điều hành, quản lý, kiểm tra. Đến nay, 100% trường phổ thông và 2/11 trường mầm non có phòng học tin học; 100% trường trang bị máy tính phục vụ công tác quản lý, văn phòng có kết nối internet tốc độ cao.

Bên cạnh đó, trên 85% số phòng học toàn huyện có trang bị màn hình ti vi cỡ lớn để phục vụ công tác dạy học, 100% giáo viên đã tự trang bị máy tính bàn và máy tính xách tay để phục vụ công tác soạn giáo án.

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 4751/KH-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ Nguyễn Tiến Long, việc thực hiện chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành giáo dục nói chung và giáo dục huyện Cam Lộ nói riêng. Thông qua chuyển đổi số, giáo viên, học sinh có thêm nhiều khả năng tiếp cận nguồn tài liệu khổng lồ phục vụ cho học tập, giảng dạy; dễ dàng tìm kiếm thông tin và khai thác chuyên sâu các khía cạnh mà họ quan tâm. Đồng thời, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội và ngành giáo dục, qua đó tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của ngành. “Hiểu một cách đơn giản thì chuyển đổi số trong giáo dục chính là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học; cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất. Ứng dụng chuyển đổi số đã tạo ra mô hình giáo dục thông minh, giúp cho việc học của học sinh trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học mà không bị giới hạn về thời gian, không gian”, thầy Long nhấn mạnh.

Thời gian tới, để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả và đồng bộ, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Đồng thời, thúc đẩy các trường học đẩy mạnh, tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số; lựa chọn, ứng dụng các giải pháp, nền tảng số phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình, hồ sơ; tổ chức thi trực tuyến tại các cấp học phổ thông. Tăng cường kết nối liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh qua các ứng dụng nền tảng số...

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170226&title=nganh-giao-duc-cam-lo-chu-trong-chuyen-doi-so