Ngành Giáo dục Hà Nội tiên phong thúc đẩy học tập suốt đời
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục triển khai sâu rộng các giải pháp nhằm thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu xây dựng những công dân có ích, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Chìa khóa cho tương lai ngành giáo dục
Chia sẻ tại diễn đàn “Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, học tập suốt đời chính là con đường giúp mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân, phát huy tối đa năng lực, từ đó đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Quan điểm này hoàn toàn đồng nhất với tinh thần cốt lõi mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội”.
Theo ông Cương, mục tiêu xây dựng xã hội học tập luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao thông qua nhiều chính sách, chương trình, hoạt động cụ thể. Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc, phát triển mạnh mẽ các trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và lan tỏa phong trào học tập.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Diễn đàn “Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” (Ảnh: Hồng Hoa)
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ngành Giáo dục Thủ đô xác định rõ vai trò tiên phong trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời cho người dân. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông đã tích cực đổi mới phương pháp tổ chức dạy học, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống và học tập suốt đời cho học sinh.
“Những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn giữ vai trò là người truyền cảm hứng trên hành trình học tập không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ và thực hiện hiệu quả phong trào nhà trường cùng chung tay phát triển”, ông Cương nhấn mạnh.

Học sinh trường THPT Phan Huy Chú tiếp nối thông điệp học tập suốt đời. (Ảnh: Hồng Hoa)
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, ông Trần Thế Cương cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức còn tồn tại, như sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các nhóm dân cư, đặc biệt ở khu vực nông thôn, người lao động tự do và người cao tuổi. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho chính sách giáo dục học tập suốt đời vẫn còn nhiều khó khăn, và các mô hình học tập linh hoạt, học tập kết hợp, học tập số cần được đầu tư và mở rộng hơn nữa.
Hướng tới thành phố học tập toàn cầu
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin về mục tiêu quan trọng của thành phố là chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để hoàn thành mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào năm 2025. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế và xây dựng một môi trường học tập lý tưởng cho mọi người dân.
Ông Cương kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp và đặc biệt mỗi người dân Thủ đô cùng chung tay kiến tạo một xã hội học tập nhân văn và phát triển ngành Giáo dục đào tạo Hà Nội.