Ngành giáo dục Lâm Hà đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm học 2023 – 2024
Chiều 22/8, UBND huyện Lâm Hà tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Đức Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục huyện Lâm Hà đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra với những thành tích nổi trội cả về đào tạo mũi nhọn và đại trà. Quy mô mạng lưới trường, lớp của huyện Lâm Hà tiếp tục được quy hoạch, bố trí hợp lý với tổng số 77 đơn vị trường học và 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa; khuôn viên trường lớp khang trang, sạch đẹp. Đến cuối năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 63/74 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (85,14%).
Đối với giáo dục mầm non, huyện Lâm Hà đã tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả môi trường xanh - an toàn - thân thiện. Chú trọng triển khai các góc hoạt động trong và ngoài lớp dưới nhiều hình thức phong phú; 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.
Trong giáo dục tiểu học đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động trải nghiệm, lồng ghép, tích hợp giáo dục kĩ năng sống, văn hóa ứng xử… Vì vậy, chất lượng dạy, học được duy trì ổn định, kết quả đạt được ở mức khá so với mặt bằng của tỉnh; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,27%, tăng 0,18% so với cùng kì năm trước.
Đối với cấp trung học cơ sở, ngành Giáo dục huyện Lâm Hà đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực hiện hiệu quả việc sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường và tổ chức các hoạt động trải nghiệm thông qua giáo dục STEM. Học sinh được lồng ghép tích hợp giáo dục về đạo đức, nhân cách cũng như hiểu biết về xã hội pháp luật và một số kỹ năng sống cần thiết. Cuối năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,78%, tăng 0,1% so với năm học 2022 - 2023.
Cấp trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai nhiệm vụ năm học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động dạy và học. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,93%, tăng 0,07% so với năm 2023.
Trong công tác điều tra, mở lớp xóa mù chữ theo chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay toàn huyện đã mở được 11 lớp với 347 học viên, dự kiến sẽ hoàn thành công tác xóa mù chữ đúng theo tiến độ.
Ngoài ra, trong các hoạt động thể dục, thể thao và các phong trào thi đua, nghành giáo dục huyện Lâm Hà đã đạt những thành tích nổi bật như xếp thứ 3 toàn đoàn Khối Phòng Giáo dục và Đào tạo tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lâm Đồng lần thứ X; trong đó có 18 học sinh trung học cơ sở được chọn tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV tại Đắk Lắk, đạt 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng. Ở Giải bơi học sinh cấp tỉnh lần thứ III năm 2024, đã đạt 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Đức Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tập thể giáo viên và học sinh trên địa bàn trong năm học qua.
Các đồng chí nhấn mạnh: Với chủ đề năm học 2024 - 2025: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” và thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, ngành giáo huyện cần chuẩn bị, đảm bảo thật tốt các điều kiện cho lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm học mới 2024 - 2025. Trong đó, tăng cường đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non; đồng thời bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các khối lớp; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tích cực phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dường nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy. Nhằm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tập trung các giải pháp xây dựng văn hóa học đường; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm; giáo dục pháp luật cho học sinh…Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ban hành kèm theo Quyết định số 429 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành; các hoạt động và các sự kiện lớn của ngành; xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.