Ngành giáo dục:Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh luôn chú trọng đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia, nhằm đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 660 trường mầm non và phổ thông phủ khắp 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Để từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất theo hướng trường chuẩn quốc gia, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây mới và sửa chữa các phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Đồng thời tiến hành quy hoạch, rà soát và điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học; sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn điểm trường trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, thực hiện công tác sắp xếp lại trường học, đến nay số trường đã giảm đáng kể, nếu như năm học 2016 - 2017 toàn tỉnh có 743 trường, năm học 2020 - 2021 giảm còn 675 trường, thì năm học 2023 - 2024 còn 660 trường. Việc sáp nhập trường lớp học giúp ngành tận dụng được cơ sở vật chất, qua đó thuận lợi hơn trong việc đầu tư, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, toàn tỉnh có 308 phòng học được xây mới với tổng mức đầu tư trên 193 tỷ đồng; cùng đó, các huyện, thành phố đã thực hiện sửa chữa, xây dựng mới trên 100 công trình trường học từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Cùng với đó, hằng năm, Sở GD&ĐT đã đưa vào kế hoạch phấn đấu mỗi năm xây dựng thêm 15 trường học đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của ngành, các phòng GD&ĐT đã rà soát, tham mưu UBND huyện và Sở GD&ĐT lựa chọn những đơn vị cận chuẩn, bố trí từ các nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Qua quá trình thực hiện từ năm 2018 đến nay, chỉ tiêu này đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2018, có 18 trường được công nhận mới là trường chuẩn quốc gia (vượt chỉ tiêu 3 trường), nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 195 trường. Năm 2023, toàn tỉnh có 285 trường đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó có 16 trường được công nhận mới (vượt chỉ tiêu đề ra 1 trường).
Điển hình như tại huyện Chi Lăng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác xây dựng trường chuẩn luôn được ngành giáo dục huyện quan tâm, đến nay tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện chiếm trên 51% tổng số trường hiện có (30/58 trường), cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh (toàn tỉnh đạt hơn 43%). Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trong năm 2023 vừa qua phòng đã thực hiện đảm bảo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia cho 2 đơn vị trường học. Năm 2024 này phòng tiếp tục đăng ký, phấn đấu xây dựng, hoàn thiện mới 2 trường đạt trường chuẩn quốc gia, qua đó tham mưu UBND huyện bố trí nguồn lực, đồng thời huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra.
Cùng với đầu tư xây dựng mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát các điều kiện công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các đơn vị trong lộ trình công nhận lại giai đoạn 2023- 2025, để trên cơ sở thực tiễn, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bổ sung kinh phí và các điều kiện cơ sở vật chất, công nhận lại trường chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hiện tại có 78 trường đáp ứng các điều kiện để công nhận lại; 56 trường cần đầu tư bổ sung cơ sở vật chất để đảm bảo tiêu chí công nhận lại, có 13 trường đã được đưa vào các Chương trình, Kế hoạch đầu tư của tỉnh.
Với những kết quả đạt được, trong năm 2024, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng mới ít nhất 15 trường học đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện được nục tiêu đặt ra, ngành giáo dục tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và các huyện, thành phố ưu tiên các nguồn lực, kết hợp với các chương trình, dự án, xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học; chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trong lộ trình xây dựng chuẩn quốc gia mới. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo thực hiện tốt công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh.