Ngành giáo dục tập trung khắc phục hậu quả bão số 3
Năm học 2024 - 2025 có thể coi là một năm học đặc biệt. Bởi, ngay sau ngày khai trường (5/9), các trường học trên địa bàn tỉnh đã tạm đóng cửa do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Bão Yagi với sức tàn phá khủng khiếp đã để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị tốc mái, ngập nước. Những ngày này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, kịp thời đón học sinh quay trở lại trường học.
Bão số 3 vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại. Tại Lạng Sơn, mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực và gây sạt lở đất, khiến hoạt động học tập bị gián đoạn. Một số trường học đã bị tốc mái và hư hỏng nặng. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, toàn tỉnh có 78 trường bị ngập, úng; 118 trường bị ảnh hưởng, hư hại khác do bão, tổng thiệt hại ước tính trên 3,2 tỷ đồng.
Nước rút đến đâu vệ sinh đến đó
Khảo sát tại một số trường học vùng ngập úng, những ngày này mặc dù nước đã rút nhưng đọng lại trên sân trường, lớp học vẫn ngổn ngang cây cối, rác thải; bùn đất đọng lại sân trường, lớp học, bám chặt tường nhà, bàn ghế và đồ dùng dạy học, đồ dùng phục vụ sinh hoạt ăn uống của học sinh.
Hiện nay, các trường học đang phối hợp với các lực lượng tại cơ sở để khắc phục thiệt hại, sửa chữa cơ sở vật chất. Theo đó, với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”, ngay khi nước rút, tại các nhà trường, các cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng với sự hỗ trợ của bộ đội, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ để lại, làm sạch trường lớp để đón học sinh trở lại.
Trường Mầm non Sơn Ca, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng là một trong những trường chịu thiệt hại nặng nề từ bão số 3. Quy mô trường gồm trường chính có 12 lớp học và điểm trường với 6 lớp học. Trong đó, các lớp học ở điểm trường đều bị ngập từ 1m - 1,2m.
Bà Hoàng Thị Din, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay khi bão tan, nước rút, nhà trường đã kịp thời dọn dẹp vệ sinh trường lớp học, đón học sinh quay trở lại trường chính từ ngày 9/9. Riêng đối với điểm trường, sau khi nước rút các giáo viên, nhân viên đã thực hiện vệ sinh, lau chùi, quét dọn rác thải và lớp bùn đất đọng lại tại các lớp học, sân trường, đồ dùng và rửa bể chứa nước sinh hoạt. Trong những ngày này, nhà trường may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị, lực lượng, trong đó có các chiến sĩ của huyện đội và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Dự kiến sang đầu tuần tới, điểm trường sẽ đón học sinh của 6 lớp trở lại học bình thường.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Chi Lăng, hiện cơ bản các trường học trên địa bàn huyện đã khắc phục xong thiệt hại, đón học sinh quay trở lại trường; chỉ còn một số điểm trường lẻ trên địa bàn xã Hữu Kiên, Bắc Thủy do sạt lở về giao thông và một số thiệt hại khác chưa khắc phục được nên phải lùi lại việc đón học sinh trở lại trường học.
Tương tự, tại Văn Quan, ngay khi lũ rút, các trường học bị ảnh hưởng đã được giáo viên và các lực lượng khác dọn dẹp, khắc phục. Theo ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, toàn huyện có 12 trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ngay khi bão tan, nước rút, phòng đã huy động giáo viên, phụ huynh, học sinh và phối hợp với chính quyền cơ sở huy động các lực lượng để hỗ trợ các trường vùng lũ triển khai công tác dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả. Đến ngày 11/9, cơ bản các trường học trên địa bàn huyện đã đón học sinh quay trở lại học tập.
Tại 2 trường thiệt hại nặng gồm: Trường Mầm non Tú Xuyên bị nước lũ cuốn trôi tường rào và thiết bị đồ chơi của trẻ; Trường Mầm non Tràng Các bị một lượng đất, đá lớn sạt lở gây đổ tường rào và ảnh hưởng tới lớp học... đang được khẩn trương khắc phục để đón trẻ.
Không chỉ ở Chi Lăng và Văn Quan, hiện nay trên toàn tỉnh các trường học bị ảnh hưởng đều đã nhanh chóng dọn dẹp và khôi phục môi trường học tập ngay sau khi bão và lũ lụt qua đi. Các giáo viên, học sinh, cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể địa phương đã tham gia dọn dẹp khuôn viên trường, phòng học, sân trường và các khu vực xung quanh bị ngập nước hoặc hư hỏng.
Các trường còn tổ chức các đội vệ sinh để xử lý bùn đất, rác thải, đảm bảo môi trường sạch sẽ khi học sinh trở lại trường. Ngoài ra, các trường cũng thực hiện khử khuẩn và bảo đảm các khu vực sinh hoạt chung như nhà vệ sinh, khu ăn uống được an toàn, hợp vệ sinh.
Nhanh chóng ổn định nền nếp học tập
Sau bão số 3, hiện nay các trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung đảm bảo nền nếp học tập, điều kiện giảng dạy ổn định. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ tâm lý cũng được triển khai để giúp học sinh ổn định tinh thần, nhất là những em ở vùng bị ảnh hưởng nặng. Để đảm bảo tiến độ chương trình giảng dạy, các trường điều chỉnh thời gian học bù và áp dụng hình thức học trực tuyến khi cần. Đồng thời, học sinh có hoàn cảnh khó khăn do bão được hỗ trợ kịp thời từ nhà trường và cộng đồng, giúp các em có điều kiện tiếp tục việc học.
Theo báo cáo của ngành GD&ĐT tỉnh, đến ngày 11/9, toàn tỉnh có 651/653 trường học cho học sinh đi học trở lại. Để đảm bảo 100% trường học quay trở lại hoạt động bình thường, những ngày này, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của bão. Toàn ngành phấn đấu sang tuần tới, toàn bộ các trường học sẽ hoạt động trở lại bình thường; ổn định nền nếp học tập, đảm bảo tiến độ, chương trình năm học.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngày 8/9, sở đã ban hành văn bản số 2897/SGDĐT-VP về chủ động, khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tập trung huy động các lực lượng trong nhà trường, phụ huynh, học sinh, phối hợp với các lực lượng ở địa phương khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất (các thiệt hại nhỏ và dễ khắc phục trước), dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học. Trong trường hợp tiếp tục có lũ lụt, sạt lở, các đơn vị chủ động cho học sinh nghỉ học và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp; tiếp tục huy động nguồn nhân lực dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trong khu vực nhà trường và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với công tác dọn dẹp vệ sinh, các nhà trường cũng rà soát, kiểm tra lại cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho học sinh đến học tập. Đồng thời, củng cố hệ thống y tế học đường, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Năm học 2024 - 2025 mới bắt đầu, để đảm bảo chất lượng dạy và học, trong thời gian tới, các trường học sẽ tiếp tục tập trung vào việc sửa chữa, khắc phục thiệt hại, bổ sung cơ sở vật chất; hỗ trợ học sinh khó khăn... Quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học.