Ngành Giáo dục Tiền Giang với công tác bình đẳng giới
Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai và có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Tiền Giang nói riêng. Vì vậy, việc thực hiện các kế hoạch hành động về bình đẳng giới trong giáo dục là hết sức cần thiết.CHUYỂN BIẾN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang có khoảng 18.535 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; trong đó có 1.130 cán bộ quản lý, 15.282 giáo viên và 2.123 nhân viên; có 6 tiến sĩ, 449 thạc sĩ, 9.565 người đạt trình độ đại học và nữ chiếm khoảng 69% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành.
Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngành Giáo dục tỉnh đã chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch, trong từng cơ quan, đơn vị, có nhận thức đúng đắn về đội ngũ cán bộ nữ, cơ bản không còn phân biệt nam, nữ trong việc lựa chọn, tiếp nhận, đề bạt cán bộ, quản lý lãnh đạo.
Trong phân công, bố trí, sử dụng cán bộ nữ từng bước đã chú ý đến việc đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù về giới nên đã phát huy tốt sự cống hiến của đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước và phát triển đảng trong nữ nhà giáo và lao động.
Ngành Giáo dục tỉnh đã từng bước chú trọng đến đội ngũ trẻ, năng động, có triển vọng lâu dài để đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý ngành. Nhìn chung, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên nữ đều có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt, ngày càng đáp ứng yêu cầu trong công việc. Việc phân bổ cán bộ nữ khá đều và hợp lý ở các ngành học, bậc học, phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ.
Ngành Giáo dục tỉnh cũng thường xuyên phối hợp ban, ngành liên quan, Công đoàn ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn Luật Bình đẳng giới và các kỹ năng lồng ghép giới cho lãnh đạo, cán bộ quản lý nữ, cán bộ nữ công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên; tổ chức tuyên truyền về nhận thức giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho học sinh, sinh viên các trường và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức giới cho nữ cán bộ quản lý, giáo viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tỉnh tổ chức các hoạt động thiết thực với chủ đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, các cuộc thi, giao lưu văn nghệ, thể thao, truyền thông qua trang thông tin điện tử của đơn vị và website Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành; đồng thời, triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” hằng năm…
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI
Theo Sở GD-ĐT, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên về bình đẳng giới. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) cho cán bộ, giáo viên phụ trách công tác bình đẳng giới và VSTBPN các đơn vị trong toàn ngành.
Đưa nội dung bình đẳng giới vào giảng dạy ở các cấp học
Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch hành động VSTBPN và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ, nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-Đ nêu rõ tại kế hoạch hành động VSTBPN và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 là đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cụ thể, nội dung về giới, bình đẳng giới sẽ được lồng ghép vào việc biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông và giảng dạy ở các cấp học. Từ năm 2025 trở đi, nội dung giới, bình đẳng giới sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ tiến sĩ trong tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục đạt 40% vào năm 2025 và đạt 45% vào năm 2030; nâng tỷ lệ nữ làm chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ GD-ĐT quản lý đạt trên 35% vào năm 2025 và đạt trên 45% vào năm 2030…
Tổ chức tập huấn công tác truyền thông bình đẳng giới cho cán bộ, giáo viên làm trong Ban VSTBPN của các đơn vị trực thuộc ngành trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các cuộc thi, hội thi cho học sinh các cấp học tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, các nội dung về giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường…
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.
Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực GD-ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực nữ. Tuyên truyền giới thiệu các mô hình tiêu biểu, nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong các đơn vị, trường học và cộng đồng, thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới…