Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện
Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển, khẳng định được vị trí dẫn đầu cả nước.
Gặt hái được nhiều thành tựu
Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng sự gia tăng về số lượng học sinh và yêu cầu nhiệm vụ.
Năm học vừa qua, toàn thành phố đã thành lập mới 77 trường học; cải tạo, sửa chữa 427 trường học với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 66,7%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thủ đô ngày càng hoàn thiện với hơn 150.000 người, trong đó 100% giáo viên đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, đảm bảo về cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị trong năm học tới đây, ngành GD&ĐT Thủ đô cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần quán triệt các nhiệm vụ và giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã đề ra để thực hiện; nắm rõ các quy định mới trong Luật giáo dục năm 2019. Đồng thời mong muốn, các nhà trường và các thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá cũng như công tác quản lý nhà trường hướng tới mục tiêu hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh; chuẩn bị kỹ càng về sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên cũng như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học... Nhờ vậy đã mang lại những kết quả nhất định. Theo đó, Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8,0 điểm trở lên) là 46.569/401.412 bài thi (chiếm tỷ lệ 11,6 %). Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố đạt 96,18% (không tính thí sinh tự do), trong đó có 70 đơn vị (41 trường THPT công lập, công lập tự chủ và 29 trường THPT ngoài công lập) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.
Đáng nói, trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019, 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019.
Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IPhO), Hóa học (IChO) được tổ chức vào tháng 7/2019, 3 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Tiêu biểu là em Trần Bá Tân đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại IChO 2019 với 95,47/100 điểm, cao thứ 4 của kỳ thi, đồng thời đạt giải "Best Practical Exam" (Bài thực hành tốt nhất) với điểm số 40/40; em Trần Xuân Tùng, giành Huy chương Vàng kỳ thi IPhO 2019, là thí sinh đạt thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam với tổng điểm bài thi nằm trong TOP 10 thế giới...
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, chẳng hạn như: Dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học; một số địa phương chưa triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới, phát triển trường lớp, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả cao. Công tác quản lý điều hành, chỉ đạo dạy học, tổ chức tuyển sinh ở một số trường chưa được thực hiện nghiêm; còn xảy ra một số hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và những vụ việc liên quan đến ứng xử chưa chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chăm sóc trẻ, học sinh ở một số đơn vị trường học...
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là năm bản lề để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm học tiếp theo.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội, trong năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tập trung tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới đây, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ ưu tiên tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Đó là: Rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, chuẩn hóa, số hóa, đồng bộ dữ liệu; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền của Thủ đô; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác tài chính, thực hiện quy chế dân chủ, kiểm tra nội bộ trong trường học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế; đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ.