Ngành Giáo dục và Đào tạo vượt khó, vươn lên
Năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID- 19 kéo dài, tiếp đến là bão lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều trường học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học nhiều nơi còn thiếu; đội ngũ giáo viên (GV) vừa thiếu lại vừa thừa ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dạy và học…
Để ứng phó với COVID-19, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, ngành GD&ĐT nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành chương trình và kế hoạch năm học. Theo đó, các đơn vị, trường học khai thác, sử dụng hai phần mềm chủ yếu để dạy học trực tuyến (phần mềm Viettelstudy và phần mềm VNPT Elearning) với 127.119 tài khoản cho GV và học sinh (HS) được Sở GD&ĐT cấp phép; có 1.211 bài giảng với 255 khóa học được đưa lên trang dạy và học trực tuyến.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Quảng Trị phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tiếp sóng Đài Truyền hình Hà Nội về chương trình dạy học qua sóng truyền hình cho HS trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019- 2020; điều chỉnh kế hoạch năm học và một số hoạt động chuyên môn trong năm học phù hợp; chỉ đạo trường học phối hợp với phụ huynh quản lý HS, hướng dẫn HS tự học.
Tình hình COVID- 19 của những tháng đầu năm vừa được khống chế, đẩy lùi thì những tháng cuối năm 2020, ngành GD&ĐT phải hứng chịu hậu quả nặng nề của nhiều đợt bão lũ nghiêm trọng làm 1 HS lớp 9 bị tử vong do đuối nước, 3 HS trong cùng một gia đình chết do sạt lở núi vùi lấp, 1 cán bộ quản lý trường học bị chết do nước lũ cuốn trôi, có khoảng 200 trường học với 308 điểm trường bị ngập lụt, tổng thiệt hại tài sản toàn ngành gần 105 tỉ đồng. Sau bão lũ, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường học, khắc phục hậu quả thiên tai để tổ chức dạy học trở lại.
Dù dịch bệnh và thiên tai xảy ra dồn dập trong một thời gian dài nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành nên chất lượng GD vẫn không ngừng nâng cao. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch đúng quy trình, quy định nên đã đảm bảo an toàn cho thí sinh và người làm công tác thi. Đặc biệt, ý thức được trước khó khăn về tình hình dịch bệnh nên HS và GV nỗ lực cao nhất trong suốt thời gian dạy và học trước đó cũng như những ngày diễn ra kỳ thi với quyết tâm cao nhất. Kết thúc kỳ thi, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt trên 94%. Cũng trong năm 2020, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh ban hành các chính sách địa phương để phát triển GD&ĐT trong tình hình mới. Việc ban hành chính sách của tỉnh góp phần giải quyết những khó khăn, “nút thắt” của ngành GD, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới. Sở GD&ĐT triển khai thực hiện cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu sở với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2020; chủ động triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học…”.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác dạy- học năm 2020 đó là đã có 30 HS đạt giải cao trong kỳ thi chọn HS giỏi văn hóa quốc gia lớp 12 THPT, tăng 5 giải so với năm 2019, là năm đạt số lượng giải cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Sở cũng đã tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật khối HS trung học cấp tỉnh và hội thi GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh. Em Văn Ngọc Tuấn Kiệt, HS Trường THPT thị xã Quảng Trị nỗ lực mang cầu truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam về với Quảng Trị và đã đạt giải ba chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Cán bộ, GV, HS tích cực tham gia các cuộc thi do Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan tổ chức và đã đạt được nhiều giải thưởng cao. Chất lượng GD bậc mầm non được nâng lên và có sự rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học nhà trẻ đạt 30,8%. Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%. Tỉ lệ huy động HS trong độ tuổi đi học cấp tiểu học đạt 99,87%, cấp THCS đạt 95,5%. 100% trẻ được ăn bán trú ở các trường mầm non. Các trường tiểu học có giải pháp phù hợp để nâng tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2019- 2020, tỉ lệ HS 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,7%; tỉ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,66%; tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày đạt 75,6%; tỉ lệ HS bán trú đạt 25,4%. GD trung học đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức dạy học, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học gắn với sản xuất- kinh doanh, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Nhiều trường học xây dựng, tổ chức và duy trì sinh hoạt đều đặn câu lạc bộ văn hóa, năng khiếu, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tăng cường kết hợp giữa lớp học truyền thống với lớp học hiện đại phục vụ tốt cho dạy học. Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá HS trong việc thi và kiểm tra đảm bảo thực chất, khách quan, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS. Các trung tâm GD nghề nghiệp- GD thường xuyên tăng cường tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, thu hút HS sau tốt nghiệp THCS vào học tại các trung tâm với hình thức vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề nhằm thực hiện đề án phân luồng HS, qua đó tăng tỉ lệ người lao động được qua đào tạo... Kết thúc năm 2020, ngành GD&ĐT đã hoàn thành 4/4 chỉ tiêu tỉnh giao.
Về nhiệm vụ năm 2021, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Minh cho biết , Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, GD pháp luật, thể chất cho HS, bảo đảm an toàn trường học. Tiếp tục rà soát quy hoạch và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới cơ sở GD hợp lý hơn. Nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới GD. Tiếp tục triển khai chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý GD. Đổi mới công tác quản lý GD, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, khảo thí, kiểm định chất lượng GD, đẩy nhanh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153905