Ngành giao thông phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án trong năm 2025

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; toàn ngành GTVT đã tạo được sự chuyển biến toàn diện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT sau khi sáp nhập tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", tích hợp quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp. Ảnh: Bộ GTVT

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT sau khi sáp nhập tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", tích hợp quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp. Ảnh: Bộ GTVT

Năm 2024, ngành giao thông hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Trong năm, Bộ đã ban hành 33 thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo chương trình, kế hoạch đề ra; tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội.

Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa VN, Bộ luật Hàng hải VN.

Về đột phá kết cấu hạ tầng, năm 2024, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua.

Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, TP Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.

Trong năm, Bộ đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án; nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.

Đến nay, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000 km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công của Ngành cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024 ).

Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Năm 2024, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023.

Công tác phòng, chống bão, lũ đã được Bộ GTVT chủ động triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó từ sớm, từ xa...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận diện một số hạn chế như: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 cảng Hàng không Quốc tế Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, song các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân…

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bộ GTVT

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bộ GTVT

Sau gần 80 năm thành lập, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được trong năm 2024.

Theo Phó Thủ tướng, đây là Hội nghị có tính lịch sử khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới và ngành GTVT sau gần 80 năm thành lập chuẩn bị bước vào thời kỳ mới. Tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả" theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngành GTVT là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia.

Đối với lĩnh vực đường bộ, nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư gần 1.200 km đường bộ cao tốc thì từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đạt gần 900 km. Tổng chiều dài đường bộ cao tốc tăng lên 2.021 km.

Năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 2 Bộ luật: Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tư duy đổi mới, có nhiều điểm đột phá.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sau quá trình thực hiện việc sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, ngành GTVT cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.

Ngành GTVT cũng cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị...

Năm 2025, ngành GTVT phải xác định các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế về vấn đề đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ cần đẩy nhanh các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là những định hướng quan trọng giúp ngành GTVT triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo. Bộ GTVT sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo của Phó Thủ tướng bằng những chương trình hành động, giải pháp cụ thể với ý chí quyết tâm cao, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, tập trung huy động mọi nguồn lực để quyết tâm triển khai thi công, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án trong năm 2025./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nganh-giao-thong-phan-dau-khoi-cong-19-du-an-hoan-thanh-50-du-an-trong-nam-2025-37438.html