Ngành Giao thông Tây Ninh: Nhiều dự án bị 'neo' do dịch bệnh
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến ngày càng phức tạp, ngành Giao thông Vận tải chịu nhiều áp lực trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện các mặt công tác thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong đó, việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và nỗ lực triển khai thực hiện các dự án thời gian gần đây khá 'căng thẳng'.
Theo một cán bộ Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh, hiện Ban đang thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản 17 dự án (2 dự án chuẩn bị đầu tư, 10 dự án thực hiện đầu tư, 3 dự án khởi công mới và 2 dự án chỉ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng). Trong đó có các dự án quan trọng như:
Dự án nâng cấp, mở rộng đường 782-784 đoạn từ tuyến tránh quốc lộ 22 (Trảng Bàng) đến ngã tư Tân Bình (thành phố Tây Ninh) có phần xây lắp gồm 5 gói thầu thi công, với tổng giá trị trúng thầu của các gói thầu hơn 857 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu từ ngã 3 tuyến tránh quốc lộ 22 đến Ngã ba Bàu Đồn và gói từ cầu K13 (huyện Dương Minh Châu) đến ngã tư Tân Bình (thành phố Tây Ninh) đã được thi công xong và đưa vào sử dụng. 3 gói còn lại đang được thi công nhưng còn vướng khâu giải phóng mặt bằng và bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên chậm tiến độ, chưa xác định được thời điểm hoàn thành.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi gồm 3 gói thầu thi công với tổng giá trị các gói thầu 305 tỷ đồng. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ dự án này đã được dừng thi công.
Dự án làm đường ra biên giới (thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) có tổng giá trị trúng thầu gần 79 tỷ đồng, hiện đã được thi công cơ bản hoàn thiện.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường 793 – 792, đoạn từ ngã tư Tân Bình (thành phố Tây Ninh) đến cửa khẩu Chàng Riệc (Tân Biên) có tổng mức đầu tư gần 670 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Công trình được chia làm 3 gói thầu thi công. Đến nay, có 2 gói thầu được thi công xong, gói còn lại được nhà thầu nỗ lực hoàn thành trong năm nay.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Trần Phú (đoạn từ cửa số 7 nội ô Tòa Thánh đến quốc lộ 22B) có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2023. Đến nay công trình đã được thi công vượt tiến độ, có khả năng hoàn thành trong năm nay.
Dự án nâng cấp đường 781 đoạn Phước Tân - Châu Thành (thuộc dự án đường ra cửa khẩu biên mậu) có tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2021. Hiện dự án được thi công đúng tiến độ.
Dự án đường 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024. Hiện nay, Ban Quản lý dự án ngành giao thông đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công. Dự kiến sẽ khởi công công trình trong tháng 8.2021.
Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B – 789 có tổng mức đầu tư 3.416 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026. Dự án có tổng chiều dài tuyến đường là 48,113km (qua địa phận thị xã Trảng Bàng 42,113km, qua huyện Dương Minh Châu 6km). Hiện dự án được triển khai một số gói thầu tư vấn để thực hiện thi công theo kế hoạch đã đề ra.
Trong khi đó, dự án cầu An Hòa có giá trị trúng thầu hơn 276 tỷ đồng, có thời gian thi công là 720 ngày. Công trình được khởi công ngày 17.7.2019, dự kiến hoàn thành ngày 6.7.2021. Sau đó, dự án được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện đến 31.12.2021. Đến nay, công trình đã được thi công phần lớn các hạng mục chính…
“Cầm cự” chờ qua dịch
Những tháng gần đây, dịch bệnh nguy hiểm đã có tác động tiêu cực đến việc thi công nhiều dự án – nhất là ở thời điểm hiện tại, khiến việc thi công và tiến độ thực hiện bị trì trệ. Trong những khó khăn do dịch bệnh gây ra cho quá trình thi công các công trình giao thông có tình trạng khan hiếm vật liệu (do việc cung ứng, vận chuyển gặp trở ngại hoặc do thiếu hụt vật liệu trên địa bàn tỉnh). Kế đến là tình trạng thiếu hụt nhân công, do yêu cầu về giãn cách để phòng dịch. Đồng thời, nhiều lao động không yên tâm trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy hiểm nên tạm thời ngừng việc.
Ông Đặng Xuân Trường- Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh cho biết, thời gian qua, công tác quản lý dự án luôn được quan tâm thực hiện, thường xuyên kiểm tra tiến độ so với kế hoạch, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ban thực hiện phương thức nghiệm thu khối lượng hoàn thành linh hoạt để giải ngân kịp thời, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng đúng trình tự thủ tục theo quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch và cạnh tranh.
Các dự án thi công xây dựng được bảo đảm chất lượng. Ban cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương trong việc triển khai thi công các công trình trên địa bàn, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dù vậy, đến nay, tiến độ thực hiện ở một số công trình bị kéo dài thời gian thi công, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của các dự án. Ngoài yếu tố dịch bệnh, nguyên nhân còn do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, khối lượng số hộ dân bị ảnh hưởng lớn... nên chưa hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đối với 2 dự án đường Đất Sét - Bến Củi, đường 782 - 784.
Tại dự án thi công Cầu An Hòa, công trình này được điều chỉnh giải pháp thi công xử lý nền đất yếu nhằm phù hợp với điều kiện thi công. Trong khi đó, các dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện Dương Minh Châu phải tạm dừng thi công để đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt tại đây.
“Ở một số dự án vẫn tiếp tục được thi công, Ban Quản lý dự án ngành giao thông Tây Ninh luôn giám sát chặt chẽ về chuyên môn kỹ thuật theo quy định cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công. Đến khi hết dịch, chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách”- ông Trường nói.