Ngành gỗ: Nâng vị thế từ vai trò của DN và gỗ hợp pháp

Cách đây hơn 1 năm, ngày 8/8/2018, Thủ tướng lần đầu tiên chủ trì hội nghị (HN) 'Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu'. Hiện nay đã có nhiều thay đổi trong bức tranh chung của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên để tạo được bước đột phá cho ngành sản xuất này cần nhiều động lực hơn nữa để phát triển ngành chế biến gỗ tiệm cận với thị trường thế giới.

Năm 2018 xuất siêu ngành gỗ đã đạt 6,99 tỷ USD. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Năm 2018 xuất siêu ngành gỗ đã đạt 6,99 tỷ USD. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phóng viên Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Theo ông, sau Hội nghị ngày 8/8/2018, ngành lâm nghiệp đã có những thúc đẩy gì riêng cho chế biến gỗ?

GS. Phạm Văn Điển: Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ cùng với Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, ngành đã và đang quyết liệt triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến gỗ, như thúc đẩy để đảm bảo toàn bộ dòng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là hợp pháp; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; thúc đẩy việc cung cấp nguồn nguyên liệu hợp pháp và bền vững ở trong nước cho chế biến, xuất khẩu, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ có hiệu quả và bền vững.

Cùng với đó, hiện Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc gỗ; thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hiệp hội mở rộng sản xuất, liên kết trong chuỗi giá trị, tham gia góp ý đối với các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực tự giải trình, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường mở và hội nhập quốc tế.

Những thúc đẩy này đã giúp ngành chế biến gỗ thay đổi như thế nào và kết quả đạt được hiện nay ra sao, thưa ông?

GS. Phạm Văn Điển: Ngành chế biến gỗ đã thực sự được tiếp thêm động lực mới, được bồi đắp thêm niềm tin lớn từ sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành có liên quan. Bước ngoặt mới của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đã hiện rõ, trong đó rõ nét là ở xu thế tiến đến vị thế cao trong chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu và ở việc bảo đảm các dòng gỗ là hợp pháp, bền vững, với vai trò hạt nhân của các DN, hiệp hội, được hơn 120 thị trường ngoài nước chấp nhận và thị trường trong nước ghi nhận.

Kết quả nổi bật của ngành gỗ trong thời gian qua được thể hiện qua nhiều chỉ số. Điển hình, về đầu ra, thể hiện ở giá trị và tăng trưởng giá trị xuất khẩu. Năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với 2017 (trong đó, xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD); 7 tháng đầu năm 2019 đạt 6,044 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó, xuất siêu đạt trên 4,5 tỷ USD). Về đầu vào, chúng ta đã chủ động đáp ứng được xấp xỉ 75% nhu cầu gỗ cho chế biến và xuất khẩu, trong đó chủ yếu là gỗ từ rừng trồng, vườn cây và cây phân tán (không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên); gỗ nhập khẩu cũng được quản lý theo hướng vừa tạo thuận lợi cho DN, vừa loại bỏ gỗ bất hợp pháp.

Tính đến hết tháng 7 năm 2019, cả nước có 243.601 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Về quá trình dịch chuyển của dòng gỗ, phương thức quản lý, truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ pháp lý, thị trường, khoa học công nghệ cho các thành viên trong chuỗi giá trị lâm sản đang được triển khai theo hướng công nghệ 4.0. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cũng sẽ được phục vụ ở cấp độ 3 và 4.

GS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

GS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hiện nay có tình trạng khan hiếm về lao động do làn sóng đầu tư sản xuất vào Việt Nam khá lớn, trong khi đó năng suất lao động Việt Nam vẫn còn thấp, điều này tác động thế nào đến ngành chế biến gỗ?

GS. Phạm Văn Điển: Tác động rõ nét của tình trạng này là sự cạnh tranh về lao động và chuyển dịch lao động ra nước ngoài sẽ diễn ra mạnh hơn. Cạnh tranh về lao động không chỉ xảy ra trong nội bộ của ngành gỗ, mà còn với các ngành công nghiệp khác ở trong nước. Chuyển dịch lao động cũng đang nổi lên trong thời gian gần đây, để đi tìm tiền công cao hơn.

So với nhiều nước, Việt Nam ta có nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, cạnh tranh về lao động, kể cả lao động có năng suất thấp sẽ làm tăng chi phí sản xuất, dẫn tới việc làm tăng giá bán sản phẩm hoặc phải ngừng sản xuất nếu bị lỗ. Cả hai điều này đều không phải là mong đợi của DN trong nước.

Để giảm lao động, DN có thể đầu tư vào công nghệ. Máy móc sẽ thay cho con người. Tuy nhiên, một mặt do phải có thời gian nhất định mới thay được công nghệ, mặt khác do trình độ quản trị DN, thương hiệu sản phẩm của ta chưa cao, nên khả năng cạnh tranh của nhiều DN Việt cũng yếu trước sức mạnh của các doanh nghiệp FDI và nước ngoài.

Tính cạnh tranh sản xuất tăng cao do các công ty FDI tham gia thị trường Việt Nam càng nhiều hơn, điều này tác động thế nào đến ngành và thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản, thưa ông ?

GS. Phạm Văn Điển: Hiện nay, có sự gia tăng đáng kể của DN nước ngoài đầu tư vào chế biến gỗ tại Việt Nam. Thống kê 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có 46 dự án đầu tư, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó riêng DN từ Trung Quốc đầu tư 21 dự án (chiếm 43% số dự án, với mức đầu tư bình quân 2,4 triệu USD/dự án). Sự gia tăng này được giải thích dựa trên hai lý do. Một là, các DN nước ngoài tránh thuế chống bán phá giá. Hai là, Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao sẽ có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp gỗ.

Thứ nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng cao, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (thống kê 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là 2,25 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2018).

Thứ hai, DN Việt cần nhìn thấy được rủi ro cạnh tranh ngay ở trong nước giữa các DN FDI và DN Việt theo hướng ít có lợi cho DN Việt. Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội vì có nhiều khách hàng mới đến đặt hàng. Tác động cuối cùng có thể nhìn đấy là nếu không được quản lý tốt về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam có thể bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.

Nền tảng số hóa thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua hàng... đặc biệt mua hàng online đang là xu thế lan nhanh vào công nghiệp nội thất. Cần nâng cao thể trạng của ngành như thế nào để cạnh tranh trong bối cảnh mới?

GS. Phạm Văn Điển: Điều này đã được ngành lâm nghiệp tính đến từ khá lâu. Chúng tôi nhận thức rằng, thế giới cạnh tranh nhau là ở công nghệ và ở việc quản lý và phân tích dữ liệu. Triển vọng là, sắp tới (cuối 2020) chúng ta sẽ đưa vào vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống này là hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI).

Để hiện thực hóa ý tưởng này vào cuối 2020, chúng tôi đang triển khai chuỗi hoạt động. Một là, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ cho công nghiệp gỗ, từ chứng nhận nguồn gốc, giao dịch, chế biến, đến thương mại, xuất khẩu; xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành.

Hai là, phát triển nền tảng công nghệ thông tin toàn diện và hiện đại phục vụ cho việc triển khai hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, bao gồm: hệ thống xác minh nguồn gốc gỗ khai thác từ rừng trồng và cây phân tán trong nước; hệ thống xác minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu; hệ thống giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ quốc gia; hệ thống phân loại doanh nghiệp ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ Việt Nam. Cùng với đó hiện ngành đang xây dựng hệ thống thông tin thị trường, thiết lập sàn giao dịch gỗ trực tuyến (chợ gỗ trực tuyến), hỗ trợ người trồng rừng và người chế biến giao dịch thuận lợi, giảm thiểu khâu trung gian…

Xin cảm ơn những thông tin ông đã chia sẻ!

Đỗ Hương (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nganh-go-nang-vi-the-tu-vai-tro-cua-dn-va-go-hop-phap/373567.vgp