Ngành Hải quan góp phần xây dựng Hà Giang giàu mạnh
Trải qua 74 năm thành lập và phát triển với nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy, ngành Hải quan đã trở thành 'cánh tay' nối dài và nhân rộng sức mạnh của nền tài chính cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển KT – XH của đất nước.
Cùng với dòng chảy lịch sử của dân tộc và địa phương, Cục Hải quan Hà Giang trải qua nhiều lần sáp nhập, đổi tên. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, nhân viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát và giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK), phương tiện xuất, nhập cảnh (XNC) và thu thuế XNK; tích cực đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Thông qua hoạt động chuyên môn, đã xuất hiện nhiều gương sáng, anh dũng chiến đấu và hy sinh, đặc biệt trong thi hành nhiệm vụ chiến đấu tiễu Phỉ trên Cao nguyên Đồng Văn.
Song hành cùng sự phát triển của tỉnh, Hải quan Hà Giang không ngừng lớn mạnh: Từ chỗ các cửa khẩu biên giới chưa được khai thông, đến nay, toàn tỉnh có 4 cửa khẩu hoạt động, trong đó có 1 cửa khẩu quốc tế; 1 cửa khẩu song phương và 2 cửa khẩu phụ; 1 Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và nhiều lối mở trên tuyến biên giới, đáp ứng yêu cầu trao đổi, giao lưu thương mại giữa nhân dân 2 nước trên tuyến biên giới Việt – Trung. Công tác quản lý Hải quan phát triển mới theo hướng chính quy, hiện đại; thực hiện mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và quy trình thủ tục Hải quan; giúp giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh; thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công truyền thống sang quản lý hiện đại dựa trên hệ thống thông quan tự động; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ quản lý hàng hóa sang quản lý doanh nghiệp. Ngành Hải quan triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và Đề án nộp thuế điện tử 24/7; duy trì đối thoại định kỳ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần thu hút hoạt động XNK, XNC, du lịch và kinh tế biên mậu phát triển.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành Hải quan đạt nhiều kết quả quan trọng: Trong 8 tháng đầu năm, có 107 doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK. Tổng giá trị kim ngạch XNK đạt 365,8 triệu USD; trong đó xuất khẩu kinh doanh đạt 175,7 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là quả tươi các loại, sắn, tinh bột sắn, chè khô các loại, ván bóc, gỗ ván sàn rừng trồng. Nhập khẩu kinh doanh đạt 89,4 triệu USD; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, năng lượng điện, thép phế liệu, đá ốp lát... Có 14.521 lượt phương tiện vận tải làm thủ tục XNC; thu ngân sách đạt 199,194 tỷ đồng (đạt 71,14 % chỉ tiêu Tổng cục Hải quan và 75,16 % chỉ tiêu Bộ Tài chính giao).
Bên cạnh đó, ngành Hải quan thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu trên địa bàn quản lý; xử lý 20 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt nộp ngân sách trên 325 triệu đồng; phối hợp với các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Đồn Công an Thanh Thủy, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần... bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển, buôn lậu pháo, thuốc lá, thịt lợn không rõ nguồn gốc. Chủ động thu thập thông tin, nắm vững địa bàn và mặt hàng trọng điểm, xây dựng phương án và đấu tranh hiệu quả với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý mặt hàng phù hợp với thực tiễn.
Với phương châm “Thuận lợi, tận tụy, chính xác” gắn với thực hiện Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, các thế hệ cán bộ, công chức Hải quan tỉnh đang nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc; chấp hành các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai thực hiện hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng hình ảnh người cán bộ Hải quan trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.