Ngành Hải quan nỗ lực cải cách hành chính đạt hiệu quả cao

Theo Quyết định số 2664/QĐ-BTC ngày 1/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu trong khối tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính, với tổng điểm đạt 91,5/100 điểm. Kết quả đạt được cho thấy quyết tâm của ngành Hải quan trong nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

 Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu cải cách thủ tục hành chính tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu cải cách thủ tục hành chính tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: TL.

7 năm liền dẫn đầu

Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Tài chính triển khai định kỳ hàng năm, đánh giá kết quả cải cách hành chính của các đơn vị theo 7 lĩnh vực (công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính), trong đó khối tổng cục và tương đương được đánh giá trên 7 lĩnh vực với thang điểm đánh giá 100 điểm.

Để có được kết quả này, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, theo tinh thần Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời tích cực quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để làm phương châm hành động, triển khai đồng bộ và toàn diện công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.

Với mục tiêu hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành Hải quan tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Một số giải pháp nổi bật thời gian qua có thể kể đến như: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử để thực hiện thủ tục hải quan; triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, thông qua ký kết với 45 ngân hàng để phối hợp thu (số thuế xuất nhập khẩu thu được qua cổng thanh toán điện tử hiện đã chiếm khoảng trên 98% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan); triển khai đề án “Thí điểm nộp thuế điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”, nhằm gia tăng tiện ích, đa dạng hóa phương thức nộp thuế điện tử, giảm thời gian nộp thuế.

Ngành Hải quan cũng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đạt 61,8%; phối hợp thực hiện 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Không những thế, cơ quan hải quan còn liên tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan giai đoạn 2020-2025 đạt 8%, cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt 10,2 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó là trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai phân cấp thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính từ Tổng cục Hải quan về cục hải quan tỉnh/thành phố; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến nộp sổ hộ khẩu giấy theo hướng thay thế nộp giấy tờ giấy bằng việc khai thác thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thực hiện hài hòa hai mục tiêu chính

Trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, theo ông Đỗ Hoàng Anh Khoa - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ngành xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời, các giải pháp chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước sẽ được Tổng cục Hải quan triển khai quyết liệt; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế điện tử và thông quan 24/7; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán giao; tăng cường công tác kiểm soát chi, bảo đảm chi đúng, chi đủ, có hiệu quả; tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021-2030, theo ông Khoa, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính được Tổng cục Hải quan xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Hơn 99% doanh nghiệp tham gia hệ thống VNACCS/VCIS

Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc thực hiện, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-no-luc-cai-cach-hanh-chinh-dat-hieu-qua-cao-141125.html