Ngành Hải quan nỗ lực thu ngân sách, trong bối cảnh xuất nhập khẩu suy giảm

Do nhiều nguyên nhân khách quan, nửa đầu năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa sụt giảm khá lớn, tạo nhiều khó khăn cho công tác thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan. Để ứng phó, toàn ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Thu ngân sách giảm 19,19%

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,93 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 1,26 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% (tương ứng tăng 672 triệu USD).

Với kết quả trên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% (so với cùng kỳ năm 2022 - tương ứng giảm 56,54 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng 22,72 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 152,19 tỷ USD, giảm 18,2% (tương ứng 33,82 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2023 ước tính thặng dư 2,59 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 12,26 tỷ USD.

Trước tình hình đó, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Có thể kể đến như nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch thu ngân sách, phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị; triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu…

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, kết quả thu ngân sách của toàn ngành vẫn có chiều hướng giảm. Tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19%.

Thực trạng nói trên được ghi nhận ở nhiều đơn vị hải quan địa phương. Ví như: Tại Cục Hải quan Hà Nội, tình hình xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng từ nước ngoài.

Đáng chú ý, đơn hàng xuất khẩu giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa được làm thủ tục tại Hải quan Hà Nội chỉ bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách nhà nước của đơn vị đạt 14.178 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán và bằng 84,58% cùng kỳ năm 2022.

Tương tự với TP. Hồ Chí Minh, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 20,34%. Nhiều mặt hàng chính giảm thu như xăng dầu giảm 18,73%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu giảm 41,34%; sắt thép các loại nhập khẩu giảm 36%... Số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giảm tới 4.000 tỷ đồng.

Gặp những khó khăn tương tự, theo ông Phan Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch qua địa bàn giảm 30,12%. Số thu ngân sách nhà nước đã thực hiện giảm tới 53,6%.

Triển khai các dự án tác động tích cực tới số thu ngân sách

Tuy nhiên, ở một chiều khác, một số địa bàn vẫn ghi nhận số thu ngân sách tăng tích cực, đơn cử như tại Bình Phước.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước Nguyễn Văn Dũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã làm thủ tục cho 531 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,488 tỷ USD, tăng 4,37%.

Với việc triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp thu ngân sách và ban hành quyết định phân bổ dự toán thu ngân sách cho các chi cục hải quan, đôn đốc các đơn vị triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để tăng thu ngân sách cả năm, tính đến ngày 30/6, tổng số thu tại Cục Hải quan Bình Phước đã đạt 638,43 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,33% chỉ tiêu được giao.

Hay tại Quảng Bình, so với cùng kỳ năm 2022, nửa đầu năm 2023, các mặt hàng truyền thống qua địa bàn có xu hướng tăng như: gỗ nhập khẩu tăng 130%, tinh bột sắn nhập khẩu tăng 200%, đường nhập khẩu tăng 55%, rutile nhập khẩu tăng 100%… Đặc biệt, trên địa bàn phát sinh mặt hàng máy móc thiết bị nhập khẩu của các dự án đầu tư, chiếm 31,4% tổng thu. Đây là nguyên nhân dẫn đến số thu thuế tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Hải quan Quảng Ninh cũng có số thu ngân sách tăng 6,57% (so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, nguồn thu chủ lực tại đơn vị đến từ mặt hàng than và xăng dầu nhập khẩu tăng cao qua khu vực cảng biển. Cụ thể, than nhập khẩu đóng góp thu ngân sách 2.729,64 tỷ đồng, tăng 24,84% (tăng 543 tỷ đồng).

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị hải quan địa phương sẽ tiếp tục tập trung rà soát các hoạt động trên địa bàn quản lý và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để dự toán số thu; theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp ngân sách, chú trọng tạo nguồn thu mới; chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

Triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Nêu thực trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay trong một sự kiện diễn ra mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đồng thời, toàn ngành tập trung phân tích, đánh giá tình hình thu, triển khai mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2023.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-no-luc-thu-ngan-sach-trong-boi-canh-xuat-nhap-khau-suy-giam-131519.html