Ngành hàng cá tra nỗ lực vươn mình ra 'biển lớn'
Năm 2024, ngành hàng cá tra Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức như: giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao; xung đột chính trị khiến chi phí logistic tăng; sự tự chủ trong cung cấp thực phẩm có nguồn gốc từ cá tra khiến nhu cầu tiêu dùng 'chững lại' tại nhiều quốc gia nhập khẩu... Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp (DN), sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý có liên quan và hiệp hội, ngành hàng cá tra Việt Nam đạt được những kết quả đáng kể về chất lượng và giá trị.
Phát huy giá trị ngành hàng cá tra
Theo đánh giá của Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2024, sản lượng cá tra cả nước ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống; có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong năm 2024, ngành chức năng đã kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống.
Bên cạnh đó, cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra, có trụ sở, địa điểm sản xuất trên địa bàn các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Hàng năm sản xuất khoảng 2,2 triệu tấn thức ăn hỗn hợp cho cá tra...
Tại Đồng Tháp, trong năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra ước đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha (tăng 10ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023). Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8kg/con) dao động bình quân ở mức từ 26.400 - 27.600 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận...
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đánh giá: “Năm 2024, ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước về tình hình biến đổi khí hậu, các thách thức thị trường, việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Song, bằng sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng và những sáng kiến đổi mới từ các DN, nông dân trên địa bàn tỉnh đã giúp ngành đạt được những kết quả rất đáng khích lệ”.
Ông Trần Đình Luân - Cục Trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Thời gian qua, để nâng tầm giá trị ngành hàng cá tra, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các hội nghị triển khai hướng dẫn, đưa ra giải pháp cho các địa phương về chương trình chọn giống, sản xuất giống theo đủ điều kiện về giấy chứng nhận, rà soát lại tiêu chuẩn; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản...”.
Nâng cao giá trị ngành hàng
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, mục tiêu năm 2025, sản lượng dự kiến khoảng 1,65 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,0 tỷ USD. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, đặc biệt đối với các tính trạng về chịu mặn, kháng bệnh nhằm cung cấp con giống khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật...
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra, Cục Thủy sản đề ra nhiều giải pháp trọng tâm về quan tâm nghiên cứu và từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai, góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào bột cá, cá tạp cũng như cân bằng các axit amin thiết yếu và axit béo trong khẩu phần ăn. Đồng thời, thí điểm áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn tập trung vào việc tái sử dụng nước để giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong các trại sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam thông qua việc cải tiến công nghệ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến và đạt các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, khí nhà kính, an toàn môi trường...
Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, thời gian tới, để phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, các DN và hộ nuôi cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm cá mắc bệnh, cá chết để xử lý; trường hợp cá bị chết nhiều, chết bất thường với tỷ lệ cao cần phải lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân; tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh, chế phẩm tăng cường chức năng của gan, thận, đường ruột cho cá; khuyến khích sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho cá nhằm chủ động phòng một số bệnh nguy hiểm trên cá tra, hạn chế lạm dụng kháng sinh và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh...
Để nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra, đại diện Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn cho cá, con giống; cập nhật và bổ sung kịp thời quy hoạch nuôi trồng cá tra, mở rộng vùng nuôi đủ lớn để đạt chuẩn và đạt hiệu quả sản xuất...
Theo Bộ Công Thương, dự báo thời gian tới, Chứng nhận Halal cho sản phẩm thủy sản đóng vai trò quan trọng khi DN Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường Hồi giáo, như: UAE, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Malaysia, và Indonesia. Đây được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho nước ta. Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là “chìa khóa” mở thêm “cánh cửa” cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng cá tra. Vì vậy, một thách thức lớn cho các nhà cung cấp là phải đảm bảo tiêu chuẩn Halal - điều kiện bắt buộc để thâm nhập thị trường này. Quá trình chế biến và đóng gói sản phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để đáp ứng Chứng nhận Halal...
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, thời gian tới, thị trường xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều chuyển biến tốt với các yếu tố như: kết quả thuế chống bán phá giá tích cực; lượng tồn kho tại các thị trường chính giảm; cá nguyên liệu không bị dư thừa như năm 2023; những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục nền kinh tế Mỹ; cơ hội tăng thị phần tại các thị trường nhỏ lẻ bên cạnh các thị trường truyền thống; dư địa cho sản phẩm cá tra trên thế giới nhiều tiềm năng...
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố sẽ tập trung nâng tầm giá trị cho ngành hàng cá tra, mấu chốt là phát triển về nguồn giống tốt cho cá tra. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả hiệu lực công tác nghiên cứu khoa học của các viện, trường; kiên quyết đưa công nghệ cao vào sản xuất giống. Đồng thời quản lý chặt chẽ hơn nguồn giống, tiêu chí, tiêu chuẩn con giống. Các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện phát triển con giống thành chuỗi khép kín. Trong quá trình sản xuất cần tận dụng phế phụ phẩm để làm nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cho ngành nông nghiệp tạo thành nền kinh tế tuần hoàn; doanh nghiệp phải đi tiên phong trong chuỗi ngành hàng cá tra; chú trọng khâu liên kết trong sản xuất cá tra; chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cá tra...”.