Ngành hàng không khó hồi phục ngay sau dịch bệnh
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại châu Âu và Mỹ có dấu hiệu giảm, nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng dịch bệnh sắp qua đi và nền kinh tế toàn cầu sớm được khôi phục trở lại. Trong đó, hàng không, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh phong tỏa quốc gia, cũng như hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch nhận được sự quan tâm lớn.
Một số tuyến giao thông giữa Úc và Ðông Nam Á cũng như các chuyến bay trở về Trung Quốc sắp hoạt động trở lại. Thông tin được ông Thomas Flohr, Chủ tịch VistaJet, hãng hàng không tư nhân lớn tại Mỹ tiết lộ: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc khởi động lại và việc này sẽ diễn ra trong quý II, vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi lệnh đóng cửa biên giới không còn”.
Tuy nhiên, theo ông Thomas Flohr, hy vọng vào sự cải thiện tích cực trong nửa cuối năm 2020 của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không là tương đối mỏng manh.
Các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi cố gắng tái khởi động toàn bộ mạng lưới toàn cầu ngay sau dịch bệnh. Tỷ lệ lấp đầy ban đầu dự báo sẽ rất thấp.
Với các hãng hàng không trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề tới hoạt động kinh doanh từ đầu năm tới nay.
Theo ước tính của Vietnam Airlines (HVN), hãng lỗ 2.400 tỷ đồng trong quý I và sẽ lỗ tới 20.000 tỷ đồng nếu dịch bệnh kéo dài tới quý IV.
Hãng hàng không quốc gia dự kiến thiếu hụt dòng tiền 15.000 tỷ đồng, cần các giải pháp hỗ trợ cấp bách của Chính phủ.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng ước tính lợi nhuận quý I là 1.900 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận cả năm 2020 có thể chỉ bằng 14% so với kế hoạch.
Một công ty phụ thuộc vào hàng không là Taseco Airs (AST) lên kế hoạch lợi nhuận giảm tới 90% so với năm 2019.
Sau khi chứng kiến cổ phiếu giảm sâu, doanh nghiệp hàng không kêu cứu lên Chính phủ, giới đầu tư kỳ vọng, nguyên tắc “Too big to fail” (quá lớn để phá sản) sẽ được dành cho nhóm ngành này.
Ðơn cử, tại HVN, tính tới 31/12/2019, hãng có tổng cộng 31.934,4 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 41,8% tổng nguồn vốn.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tổng số nợ HVN phải thu xếp vốn trả trong vòng 12 tháng là 5.233,7 tỷ đồng.
Trong danh sách chủ nợ của HVN, có tới 9.130,9 tỷ đồng liên quan tới các ngân hàng trong nước, đặc biệt là 4.864,4 tỷ đồng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), 1.629 tỷ đồng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…
Khoản nợ với các tổ chức nước ngoài gồm Citibank 7.402,3 tỷ đồng, Tập đoàn ING 8.702,6 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG 1.824,6 tỷ đồng, Ngân hàng JP Morgan Chase 1.605,4 tỷ đồng, Ngân hàng HSBC 1.407,6 tỷ đồng…
Nếu như HVN không trả được nợ vay đáo hạn trước mắt thì sẽ tạo ra nợ xấu cho các ngân hàng, ảnh hưởng gián tiếp tới nền kinh tế.
Về dài hạn, HVN là thương hiệu quốc gia, ảnh hưởng tới uy tín, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam sau này muốn huy động vốn, vay vốn nước ngoài sẽ bị hạn chế.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ HVN vượt qua giai đoạn khó khăn chắc chắn sẽ diễn ra.
Ðiều tương tự cũng được giới đầu tư kỳ vọng đối với Hãng hàng không tư nhân Viet Jet. Dư nợ vay của hãng này tới thời điểm cuối năm 2019 là 11.823 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng nguồn vốn.
Chưa kể, với nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay, hình thức thuê hoạt động dài hạn cũng có thể xem như là nợ vay dài hạn, chi phí cố định, áp lực trả nợ vay và lãi vay cũng tương đối lớn.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2019 của Viet Jet, chủ nợ chủ yếu vẫn là ngân hàng trong nước và nước ngoài; trong đó có ngân hàng liên quan tới nhà nước là VietinBank 2.398,5 tỷ đồng, BIDV 899,7 tỷ đồng, Vietcombank 498,8 tỷ đồng…
Tình hình kinh doanh khó khăn của Hãng trong những tháng đầu năm sẽ gây áp lực nhất định tới hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng.
Chính sách hỗ trợ ngành hàng không chắc chắn sẽ diễn ra, song bằng hình thức nào thì rất khó dự báo.
Nhiều khả năng, đây chủ yếu là các giải pháp giãn thời hạn trả nợ ngân hàng, thuế và các khoản phí công đoàn, bảo hiểm xã hội cho người lao động… để chờ cho tới khi hoạt động kinh doanh của các hãng dần khôi phục.
Các chính sách hỗ trợ sắp tới chỉ giúp các hãng duy trì trong ngắn hạn, còn về lâu dài, việc hồi phục của ngành hậu dịch bệnh sẽ là thách thức rất lớn.
Việc mở cửa biên giới được dự báo sẽ bắt đầu từ tháng 5 ở nhiều nơi, tuy nhiên có hai trở ngại lớn đối với ngành du lịch, lĩnh vực chiếm phần lớn nhu cầu đi lại toàn cầu.
Ðó là, thu nhập người dân toàn cầu suy giảm mạnh trong và sau đại dịch, nền kinh tế cần một khoảng thời gian để hồi phục trở lại.
Ðặc biệt, người dân châu Âu và Mỹ, với thói quen tiêu dùng bằng thẻ tín dụng khi thu nhập bị giảm xuống ngay lập tức bị ảnh hưởng và phải xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao.
Người dân châu Á, với tỷ lệ tiết kiệm cao hơn nhưng do thu nhập gặp khó khăn, hành vi tiêu dùng sẽ có khuynh hướng hạn chế vào các lĩnh vực xa xỉ, mà tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Vì vậy, sẽ cần thời gian để thu nhập phục hồi thì hành vi tiêu dùng mới thay đổi.
Thách thức thứ hai đến từ nỗi lo mầm bệnh quay trở lại khi vẫn chưa có vắc-xin phòng dịch Covid-19.
Tâm lý lo sợ lây bệnh của người dân vẫn hiện hữu, đặc biệt là với những môi trường kín và lạnh như máy bay.
Người dân cần một thời gian đủ dài để khôi phục lại niềm tin và nỗi sợ dịch bệnh. Nói như ông Thomas Flohr, thế giới phải có vắc-xin phòng virus Corona thì mới có hy vọng ngành du lịch phục hồi trở lại.
Chỉ khi nào hai vấn đề trên được giải quyết, các hãng bay mới bắt đầu có thể vận hành như công suất trước dịch.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành hàng không đã chứng kiến đà hồi phục mạnh từ đầu tháng 4 tới nay khi dịch bệnh có tín hiệu chạm đỉnh.
Cụ thể, HVN tăng 26,12%, ACV tăng 26,3% và VJC tăng 16,05%, trong khi VN-Index chỉ tăng 15,83%, cho thấy giới đầu tư đang đặt kỳ vọng cho sự hồi phục nhất định của nhóm ngành này.
Tuy nhiên, đà tăng khó bền vững vì những thách thức trong năm 2020 đối với ngành hàng không vẫn chưa được giải tỏa.