Ngành hàng không 'kiệt quệ' trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4
Dịch bệnh Covid-19 bất ngờ quay trở lại lần thứ 4 đã khiến mọi kế hoạch phục vụ cao điểm du lịch hè 2021 của các Hãng hàng không nước ta phải thay đổi, thua lỗ kéo dài là điều khó tránh khỏi.
Ngành hàng không “ngắc ngoải”
Đang trên đà phục hồi với những tín hiệu tích cực khi lượng hành khách di chuyển trên các chặng bay nội địa tăng trước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhưng các Hãng hàng không đã ngay lập tức “chững” lại sau khi thông tin về bệnh nhân mắc Covid-19 trong nước đầu tiên ghi nhận tại Yên Bái được Bộ Y tế xác nhận vào ngày 27/4, đánh dấu đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại nước ta.
Mặc dù chưa có số liệu chính thức, tuy nhiên với những diễn biến phức tạp thời gian qua khiến tất cả các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng khách hủy chuyến tăng cao bất thường. Trong đó có những chuyến bay trên trục Bắc - Nam chỉ đạt khoảng 40 - 50% lượng khách lấp đầy, dù bay vào giờ đẹp. Hai cảng hàng không lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất trở lại cảnh thưa vắng khách sau chuỗi ngày ngắn ngủi nhộn nhịp.
Hàng không Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và khó có thể phục hồi nhanh trong thời gian ngắn. Ảnh minh họa
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ, từ ngày cao điểm 29/4 - 1/5, cảng phục vụ 540 lượt chuyến bay/ngày với 79.000 lượt hành khách/ngày. Chỉ trong 3 tuần sau đó, bình quân cảng chỉ còn phục vụ khoảng 150 lượt chuyến/ngày, sản lượng hành khách sụt giảm còn khoảng 8.500 lượt hành khách/ngày. Thậm chí có ngày thấp điểm, chỉ còn 120 lượt chuyến bay/ngày với 6.600 lượt hành khách. Để duy trì khai thác, cảng đã phải tạm điều chỉnh các chuyến bay đi/đến tại khu vực sảnh E sang khai thác tại sảnh A, B Nhà ga hành khách T1.
Trao đổi với phóng viên, nhiều tiếp viên của các hãng hàng không nội địa đều cho biết, số chuyến bay nội địa hiện nay đều giảm mạnh, tiếp viên các hãng hiện chỉ có khoảng 10% được bay còn lại nghỉ luân phiên. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì tháng 4, 5 hằng năm là thời gian cao điểm hành khách đi lại nhưng nay hành khách di chuyển rất thưa thớt.
Thời gian qua, để thu hút hành khách, các hãng hàng không đã phải chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí để mở thêm đường bay kết nối với các điểm du lịch tung ra các chương trình khuyến mãi quy mô lớn,... Giá vé bình quân của các hãng hàng không trong tháng 4/2021 chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế dù lượng khách nội địa trong tháng 4 tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng do phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá, nên lợi nhuận thực thu của các hãng hàng không cũng chỉ ở mức “tương đối”, không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra trong cả quý I/2021.
Ngoài ra do chưa được khai thác các đường bay thương mại quốc tế, nên hầu hết các Hãng hàng không tiếp tục phải cho “nằm đất” nhiều tàu bay hiện đại. Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới.
Các cảng hàng không vắng khách ngay trong dịp cao điểm nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao.
Cần có những chính sách dài hơi giải cứu ngành hàng không
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ước tính trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA Bùi Doãn Nề cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 3 đúng vào dịp Tết Âm lịch khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, lượng khách bỏ chỗ rất lớn.
Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm giá vé máy bay khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70-80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2021, theo dự báo của VABA, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu và các hãng sẽ vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động ngay từ giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán.
Thông tin từ Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, cách đây 2 tháng, ngành hàng không cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt sau đợt dịch lần 3 và đưa ra dự báo khả quan năm 2021. Nhưng đến thời điểm này doanh thu các hãng hàng không lại lao dốc, giảm sâu so với năm 2019 và có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng từ vận tải mà chưa thấy khả năng được kiểm soát.
Cục Hàng không Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành hàng không. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh của cả nền kinh tế, không riêng gì doanh nghiệp hàng không nên ngành phải cố gắng cầm cự.
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ đã đưa ra các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính.
Thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu là vận chuyển người dân hồi hương, chuyên gia, hàng hóa và các đường bay nội địa thì cạnh tranh lớn nên doanh thu vẫn ở mức.
Nhưng để giúp các hãng và ngành hàng không tồn tại, phát triển ổn định, đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với các hãng trên thế giới thì những chính sách dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề dư thừa nguồn lực, cạnh tranh giá vé và các hệ lụy rủi ro về bất ổn thị trường cần được xem xét giải quyết một cách thấu đáo.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên có những chiến lược để giải cứu các hãng hàng không theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng “ăn đong từng bữa” hay sống “qua ngày đoạn tháng”. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, cứu hàng không là cứu nền kinh tế, là tài trợ cho tương lai.