Ngành hàng không 'kiệt quệ' vì Covid-19, cần những chính sách hỗ trợ dài hạn

Đang trên đà hồi phục với những tin tốt khi lượng hành khách di chuyển trên các chuyến bay nội địa dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tăng cao thì các hãng hàng không lại 'ngồi trên đống lửa' vì làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam.

Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng ngành hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. (Nguồn: VOV)

Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng ngành hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. (Nguồn: VOV)

Thông tin về đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp những ngày qua khiến tất cả các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng khách hủy chuyến tăng cao bất thường. Hai cảng hàng không lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất trở về cảnh thưa vắng khách sau chuỗi ngày nhộn nhịp ngắn ngủi .

Khó khăn chồng chất

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ, từ ngày cao điểm 29/4-1/5, cảng phục vụ 540 lượt chuyến bay/ngày với 79.000 lượt hành khách/ngày. Chỉ trong 3 tuần sau đó, bình quân cảng chỉ còn phục vụ khoảng 150 lượt chuyến/ngày, sản lượng hành khách sụt giảm còn khoảng 8.500 lượt hành khách/ngày.

Thậm chí, có ngày thấp điểm, chỉ còn 120 lượt chuyến bay/ngày với 6.600 lượt hành khách. Để duy trì khai thác, cảng đã phải tạm điều chỉnh các chuyến bay đi/đến tại khu vực sảnh E sang khai thác tại sảnh A, B Nhà ga hành khách T1.

Trao đổi với TG&VN, chị N.T.V.C, một tiếp viên hàng không nội địa chia sẻ, số lượng các chuyến bay và hành khách hơn 2 tuần qua đều giảm mạnh.

Chị N.T.V.C cho hay: "Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tháng 5 hằng năm thường là thời gian cao điểm, hành khách thường xuyên di chuyển đi du lịch, nghỉ dưỡng. Nhưng hiện tại, các chuyến bay thưa thớt, hành khách trên chuyến bay cũng vắng vẻ. Các tiếp viên trong hãng chỉ có khoảng 10% được bay, còn lại sẽ nghỉ luân phiên".

Thời gian qua, để thu hút hành khách, các hãng hàng không đã phải chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí để mở thêm đường bay kết nối với các điểm du lịch tung ra các chương trình khuyến mãi quy mô lớn... Giá vé bình quân của các hãng hàng không trong tháng 4/2021 chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, số khách bay nội địa trong tháng 4 tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng do phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá, nên lợi nhuận thực thu của các hãng hàng không cũng chỉ ở mức “tương đối”, không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra trong cả quý I/2021.

Ngoài ra, do chưa được khai thác các đường bay thương mại quốc tế, nên hầu hết các hãng hàng không tiếp tục phải "đắp chiếu" nhiều máy bay hiện đại. Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không đã chịu tác động nghiêm trọng từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ước tính trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, mức lỗ của các hãng hàng không năm 2021 ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020. IATA cũng dự đoán, tổng thị trường hàng không thế giới đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô tương đương năm 2019.

Hiệp hội này khẳng định: "Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành Hàng không chưa mấy tươi sáng. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của các nước".

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trước những khó khăn trên, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành như: Áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế…

Theo đó, Bộ này kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021 và Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán…

Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ, các hãng hàng không lớn của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế sau đại dịch.

Về phía Chính phủ, ngay khi chịu tác động nặng nề của của đại dịch, Chính phủ đã có chính sách giảm 50% giá cất - hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và tiếp tục gia hạn đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn...

Cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines, tuy nhiên tiến độ giải ngân bị chậm. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) đã hoàn tất toàn bộ hành lang pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân từ tháng 6 tới.

Song song với đó, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2021.

Cần những "liều thuốc" dài hạn

Như vậy, trong thời gian qua, các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn đã được Chính phủ đưa ra, giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cần có những chính sách dài hạn để giúp các hãng tồn tại, phát triển ổn định, bền vững, đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với hàng không thế giới.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên có những chiến lược để giải cứu các hãng hàng không theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng sống “qua ngày đoạn tháng”. Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để “hà hơi thổi ngạt” mà chính là đầu tư cho tương lai.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ, các hãng hàng không lớn của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế sau đại dịch.

Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, tới thời điểm này, các hãng hàng không vẫn đang vật lộn chứ không hãng nào "bó tay chịu chết". Sự quyết tâm sống còn của các hãng hàng không không bị suy giảm. Họ sẵn sàng dốc những nguồn lực của mình để giữ cho được các chuyến bay.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua chắc chắn đã làm cho các hãng hàng không khó mà đứng dậy nhanh, đứng dậy vững, thậm chí vẫn có nguy cơ sụp đổ nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực.

PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định: "Trước tình hình ấy, Chính phủ phải có chiến lược làm sao cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia chứ không phải để họ cố gắng qua ngày đoạn tháng, thêm được ngày nào hay ngày đấy mà phải hướng tới tương lai rõ ràng hơn.

Chính phủ phải có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung, cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch Covid-19. Nếu làm được như vậy thì mới thật sự hiệu quả, mới thật sự vượt qua được thách thức hiện nay".

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nganh-hang-khong-kiet-que-vi-covid-19-can-nhung-chinh-sach-ho-tro-dai-han-146873.html