Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng tốc
Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và hệ thống phân phối được mở rộng đã giúp tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG) trở thành ngành hàng tăng trưởng mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay.
Hai đòn bẩy tăng trưởng của FMCG
Đời sống kinh tế của người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn, thói quen tiêu dùng có nhiều thay đổi theo hướng mua sắm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Người Việt không còn được mệnh danh là tiết kiệm nhất thế giới nữa, thay vào đó, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều cho các khoản mục lớn như tiêu dùng, du lịch, sửa chữa nhà…
Theo khảo sát của Nielsen, sau khi chi trả cho các khoản chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho du lịch (38% người được khảo sát), mua sắm quần áo mới (36%), các sản phẩm công nghệ mới (31%), sửa chữa nhà (30%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (29%)…
Kinh tế nhiều triển vọng tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng được mong đợi sẽ thúc đẩy tăng trưởng FMCG vào cuối năm 2017. Với đặc thù là nhóm sản phẩm quay vòng nhanh, tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành luôn ở mức cao.
Kết quả nghiên cứu thị trường Việt Nam của Market Pulse cho biết, tốc độ tăng trưởng sản lượng của FMCG là 5% trong quý II/2017 và tăng 5,8% trong quý III/2017. Con số này dự đoán có thể tăng cao hơn nhiều vào quý IV/2017. Hiện chưa có con số báo cáo cụ thể, nhưng các chuyên gia dự đoán có thể đạt 6 - 7%.
Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hoặc hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) là nhóm sản phẩm giá thấp được tiêu thụ, quay vòng và hết hạn nhanh chóng trong vòng một năm, thông thường là trong vòng một vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng, ví dụ như đồ uống nhẹ, đồ dùng vệ sinh và các mặt hàng tạp hóa.
Nhu cầu tiêu dùng tăng cao và các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng mở rộng là hai yếu tố đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng FMCG Việt Nam.
Năm 2017, thị trường chứng kiến cuộc đua mở rộng của các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mini như Vinmart, Vinmart+ của Vingroup với khoảng 1.000 cửa hàng, Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu; 7-Eleven hiện có 11 cửa hàng tại TP.HCM và dự tính mở 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới…
Đó là chưa kể các shop tiện ích quy mô nhỏ không ngừng gia tăng. Cuộc đua nóng bỏng của hệ thống chuỗi siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện ích đã tạo ra kênh phân phối lớn cho FMCG Việt Nam, mang lại cú huých tăng trưởng của toàn ngành.
Những ngày này, khảo sát một vòng các siêu thị lớn tại Hà Nội như hệ thống siêu thị Fivimart, Big C, Aone Mall, Co.op Mart, Vinmart…, có thể thấy không khí mua sắm rất nhộn nhịp. Các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình… nằm trong nhóm mặt hàng bán chạy nhất.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam, đơn vị sở hữu Hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, dịp áp Tết, nhu cầu của người dân về sản phẩm tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe gia đình gia tăng mạnh. Vào dịp này, các siêu thị thường có chính sách khuyến mại, kích cầu thu hút người tiêu dùng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, tổng mức bán lẻ toàn thị trường đạt 130 tỷ USD, tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có đóng góp lớn của ngành hàng FMCG.
Khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam cho thấy, trong quý III/2017, các ngành hàng phi thực phẩm giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Ngành hàng thức uống trở lại dẫn đầu tăng trưởng ở thành thị. Sữa và các sản phẩm từ sữa tăng nhẹ tại nông thôn một phần nhờ tăng trưởng của các ngành hàng như sữa chua ăn hay váng sữa.
Dịp giáp Tết Nguyên đán, ngành FMCG Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh nhu cầu mua sắm các sản phẩm thực phẩm (đặc biệt bánh kẹo, bột ngọt…), sản phẩm chăm sóc gia đình (nước giặt, nước rửa, xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt…), Kantar Worldpanel Vietnam dự báo, nhóm bia, nước giải khát sẽ mang lại tăng trưởng đột phá cho toàn ngành. Năm 2017, Việt Nam dự kiến tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia, trong đó Sabeco chiếm 40% thị phần sản lượng và đứng đầu toàn thị trường. Tết thường là thời điểm nhu cầu bia tăng đột biến và năm 2017 không phải một ngoại lệ.
Doanh nghiệp hàng tiêu dùng đẩy mạnh kênh phân phối
Cơ hội từ thị trường rất to lớn, nhưng các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng đứng trước nhiều sức ép, đó là nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và áp lực cạnh tranh khi ngày càng có thêm nhiều đối thủ tham gia “sân chơi” này.
Đáng nói là, thị phần vẫn đang nằm chủ yếu trong tay các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Pepsi, Heneiken, Unilever, P&G…
Giải bài toán chất lượng và giá cả, lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng là câu chuyện đau đầu với nhiều doanh nghiệp.
“Nếu đưa ra sản phẩm tốt, nhưng giá thành đắt quá người tiêu dùng khó chấp nhận. Khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn khi các sản phẩm của các doanh nghiệp, nhãn hàng ngày càng đa dạng. Nếu tính sai một nước, doanh nghiệp sẽ thua cuộc”, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chia sẻ.
Đẩy mạnh kênh phân phối, tiếp cận thị trường tiềm năng cũng là mục tiêu được các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng đặc biệt chú trọng lúc này. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Vietnam, tại các thành phố lớn của Việt Nam, nước ngọt có gas và nước tăng lực bắt đầu thu hút lại người mua từ đầu năm 2017.
Thức uống lúa mạch dạng nước phát triển tốt tại thị trường nông thôn, không chỉ mở rộng mạng lưới người mua mà còn gia tăng sản lượng tiêu dùng. Thành công của ngành hàng này được cho là nhờ đẩy mạnh hệ thống phân phối, gần như có mặt ở khắp các cửa hàng tạp hóa tại nông thôn.
Ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Vietnam nhận định, trong phân phối các sản phẩm nhóm FMCG, kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm online đang ngày càng quen thuộc với người mua và gia tăng thị phần ở thành thị. Kênh này tiếp tục được nhóm doanh nghiệp FMCG phát triển.
Còn tại nông thôn, cứ 5 người dân sẽ có một người mua sắm cửa hàng bách hóa vì chủng loại sản phẩm đa dạng hơn, nhiều lựa chọn hơn nên tiếp tục là tín hiệu tốt để đẩy mạnh phân phối này.
Đầu tư nhiều hơn cho hệ thống kênh bán hàng online là nội dung được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Trên thế giới, doanh thu bán hàng trực tuyến của GMCG tăng 26% trên toàn cầu và đóng góp 35% cho tăng trưởng của thị trường FMCG năm 2016. Tại Việt Nam, tỷ lệ mua hàng FMCG qua thương mại điện tử đạt 0,4% và tốc độ tăng trưởng trên kênh thương mại của ngành này trong năm 2016 là 7,4%. Con số này sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 - 2020 khi xu hướng mua sắm online được nâng cao.
Theo báo cáo của Nielsen, có nhiều cách để ngành FMCG tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận dựa trên chiến lược định giá. Căn cứ vào kết quả khảo sát, đa số người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm có kích cỡ lớn hơn nhưng giá thấp hơn cho mỗi lần sử dụng (29%), kế đến họ sẽ chọn các dòng sản phẩm mới được giới thiệu với kích cỡ nhỏ hơn và giá thấp nhất (16%). Bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như năng lực chế biến...
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng thị trường nông thôn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết, thị trường FMCG tại Việt Nam trong hai năm qua có nhiều biến động, mặc dù tổng thể ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng có một số nhóm ngành hàng trì trệ. Những biến động này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà sản xuất phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để nắm bắt những cơ hội mới trên thị trường nhằm mang đến lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
Hướng tới mở rộng thị trường, đặc biệt thị trường nông thôn sẽ là triển vọng sáng cho tương lai FMCG. Theo ông Dũng, khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết. Các nhà sản xuất cần phải có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng đến từ nông thôn và tận dụng lợi thế của kênh bán hàng truyền thống là điều rất quan trọng tại nông thôn.
Tuy nhiên, đại diện Nielsen cho rằng kênh bán hàng truyền thống rất phức tạp và có tính cạnh tranh rất cao. Và việc đưa sản phẩm vào cửa hàng tại nông thôn không phải là một bài toán dễ dàng. Các doanh nghiệp nên hiểu rõ người tiêu dùng là ai, mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất cũng như cách thức họ mua sắm như thế nào sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai.