Ngành hàng tôm đóng góp lớn cho xuất khẩu
Đó là một trong những đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị 'Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020' do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào sáng ngày 8-5. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; phía tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy, Trần Văn Chuyện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Thanh Mừng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN-PTNT và trực tuyến tại các điểm cầu các huyện nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng. Dự họp còn có lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan, UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Kiên Giang, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất tôm giống.
Theo thông tin của Bộ NN-PTNT, trong những tháng đầu năm 2020, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra hạn, mặn, xuất hiện các cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi tôm nước lợ. Mặc dù ngay từ đầu năm, 100% các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ thả tôm năm 2020 và theo đánh giá cho thấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế, đã được phổ biến đến người dân, tuy nhiên tốc độ thả nuôi còn chậm, thả thăm dò, chưa thả hết diện tích và chờ điều kiện thời tiết, đặc biệt là thị trường ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước thả nuôi được khoảng 481.534ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020), trong đó, tôm sú là 457.420ha, tôm thẻ là 22.132ha; ước sản lượng tôm nước lợ tính đến cuối tháng 4 đạt 168,6 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD. Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, sản lượng tôm đạt 830.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu là 3,5 tỉ USD… Riêng tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ theo kế hoạch là 50.000ha, sản lượng ước đạt 167.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 670 triệu USD.
Tại hội nghị, đại biểu đã đóng góp các ý kiến xoay quanh việc định hướng nhiệm vụ và giải pháp sản xuất tôm nước lợ năm 2020; dự báo cung cầu đối với con tôm nuôi nước lợ; giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển thị trường tôm; tình hình dịch bệnh trên tôm cũng như kế hoạch phòng chống dịch bệnh; kế hoạch sản xuất phục vụ nuôi tôm của các doanh nghiệp; công tác quản lý chuyên ngành và giải pháp khoa học công nghệ phục vụ nghề nuôi tôm…
Qua nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị 8 tỉnh đồng ĐBSCL xuống giống tôm nuôi nước lợ đúng quy trình, đảm bảo vùng nuôi an toàn về môi trường, con giống, mật độ thả, thức ăn cung ứng cho tôm; các đơn vị liên quan từ bộ, ngành đến địa phương quản lý tốt tại các doanh nghiệp sản xuất con giống từ khâu sản xuất, phân phối tiêu thụ đến hộ nuôi; bộ, ngành phối hợp chặt chẽ địa phương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất tôm nuôi nước lợ để tăng lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, các sản phẩm phụ trợ nuôi tôm phải được rà soát đưa ra chiến lược hài hòa. Qua đó, các tỉnh ĐBSCL cần có định hướng chung trong phát triển ngành hàng tôm cũng như doanh nghiệp cùng bộ, ngành nghiên cứu giống tôm bố mẹ không chỉ con tôm thẻ, tôm sú mà còn cho tôm hùm, tôm càng xanh...