Ngành hồ tiêu đón 'sóng' tăng giá mới

Từ thực tế và dự báo cho thấy ngành hồ tiêu Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng giá mới. Vậy, ngành này sẽ làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn, tránh rơi vào bẫy rủi ro.

Theo khảo sát, thị trường hồ tiêu trong nước đang giao dịch về quanh ngưỡng giá 92.000 - 95.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc TMT Consulting cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khi giá bán có thời điểm giảm xuống mức 34.000 đồng/kg và hiện nay ở mức 90.000 đồng/kg.

Đang ở chu kỳ tăng giá

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty CP Prosi Thăng Long thông tin, giá hồ tiêu tăng từ tháng 12/2023 và đến nay xu hướng tăng giá vẫn tiếp diễn. Nông dân và doanh nghiệp kỳ vọng 2024 sẽ là năm ngành có triển vọng về giá rất tốt.

Giá hồ tiêu đang ở trong chu kỳ tăng.

Giá hồ tiêu đang ở trong chu kỳ tăng.

Đến thời điểm này, Công ty Prosi Thăng Long đã nhận được một số đơn hàng của quý II. Tuy vậy, khi bước vào chu kỳ tăng giá mới, doanh nghiệp cũng phải tính toán rủi ro. Hiện, giá cao đột biến, nên nhà nhập khẩu cũng băn khoăn về việc có nên đặt mua không. Nếu giá giảm xuống thì doanh nghiệp rất rủi ro. Đó là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, hồ tiêu đang vào chu kỳ tang giá vì nguồn cung không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới cũng suy giảm do điều kiện bất lợi về thời tiết.

“Tôi hy vọng rằng với sức ép về nguồn cung sẽ tác động tích cực đến giá, đây cũng là động lực để bà con phấn đấu quan tâm hơn tới việc mở rộng diện tích, gắn với nâng cao chất lượng", bà Liên nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Liên khuyến cáo nên cẩn trọng trong dự báo giá cả và tham gia thị trường. Nếu giá cứ tăng đột ngột thì ảnh hưởng tới lợi nhuận của đơn hàng. Doanh nghiệp cũng khó thu mua nguồn hàng đúng với giá cam kết của nhà nhập khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá, nhìn xa hơn về xu hướng giá để có hành vi ứng xử.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt,Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loại cây trồng có giá trị, trong đó hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Cần chiến lược phát triển bền vững

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong giỏ hàng gia vị thế giới, hạt tiêu chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.

Tuy nhiên, Giám đốc TMT Consulting Nguyễn Thanh Tâm nêu ra một số thách thức mà ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang gặp phải là sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh, quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng…

Do đó, ông Tâm khuyến nghị, để các sản phẩm hồ tiêu Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn Rainforest Alliance, hữu cơ…, đặc biệt là các vấn đề dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Dự báo nhu cầu hạt tiêu, đặc biệt với sản phẩm cao cấp từ thị trường thế giới ngày càng tăng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao, nên Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài khuyến nghị nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh nâng cao chất lượng, áp dụng biện pháp chế biến sâu.

Ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, 60% thị phần thế giới. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới hiện nay, ngành hàng gia vị và hồ tiêu phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng. Thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu về sản phẩm đáp ứng tính bền vững. “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu tiêu và cây gia vị Việt Nam”, ông Tài nhấn mạnh.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, tính bền vững và toàn diện là hai trụ cột của ngành hồ tiêu trong giai đoạn tới. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đào tạo, tập huấn cho người nông dân sản xuất bền vững, đào tạo để nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất.

"Tính bền vững và tính toàn diện không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự cam kết lâu dài, cam kết tạo ra tương lai bền vững. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được tính bền vững và toàn vẹn", bà Liên nhấn mạnh.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-ho-tieu-don-song-tang-gia-moi-1098641.html