Ngành 'hot' về thiết kế vi mạch: Học phí ra sao?

Qua thống kê, tại TP.HCM, từ năm học này có gần 10 trường ĐH bắt đầu đào tạo ngành/chuyên ngành thiết kế vi mạch, chủ yếu là ở các trường công lập.

Thực hiện theo chủ trương của nhà nước về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước cũng như tại TP.HCM từ năm học 2024-2025 này đã bắt đầu đào tạo chuyên sâu cho ngành/chuyên ngành này.

Ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các thiết bị điện tử, từ những thiết bị nhỏ như điện thoại di động đến những hệ thống lớn như máy tính và các thiết bị IoT.

Gần 10 trường mở ngành/chuyên ngành Thiết kế vi mạch

Qua thống kê, tại TP.HCM năm nay có gần 10 trường ĐH bắt đầu đào tạo ngành/chuyên ngành thiết kế vi mạch này, chủ yếu là ở các trường công lập.

Tại TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM được xem là đơn vị đầu tiên đào tạo về thiết kế vi mạch với các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, ĐH này đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Theo đó, các trường ĐH thành viên chủ chốt như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa… sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Qua đó, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã mời chuyên gia của các ĐH lớn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc để giúp xây dựng chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn.

Cụ thể như ở Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã bắt đầu đào tạo hẳn ngành thiết kế vi mạch bậc ĐH từ năm học này với 150 sinh viên.

Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về quy trình thiết kế vi mạch, kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế vi mạch chuyên nghiệp, năng lực học tập, nghiên cứu và làm việc suốt đời trong lĩnh vực này.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã có 15 năm đào tạo chuyên ngành về vi mạch nhưng ở phạm vi hẹp. Từ năm học 2024-2025 này, trường bắt đầu đào tạo ngành thiết kế vi mạch với khoảng 100 sinh viên theo hướng chuyên sâu hoàn chỉnh.

Đây là ngành dành cho những em có thế mạnh của mình ở các môn khoa học tự nhiên, yêu thích lĩnh vực điện điện tử và máy tính nói chung.

Đây cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo chuyên ngành kết hợp Kỹ thuật Thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo trường, đây là chuyên ngành để tạo ra các hệ thống điện tử thông minh và tiên tiến, có khả năng tự học, tự điều chỉnh và tự động hóa các quy trình.

Các ứng dụng chuyên ngành này rất đa dạng, từ các thiết bị di động thông minh, hệ thống nhúng, máy tính cá nhân đến các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp và y tế.

Trong tương lai, việc tích hợp AI vào thiết kế vi mạch dự kiến sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới và thú vị, giúp tạo ra những thiết bị điện tử thông minh, tiên tiến và có khả năng tương tác với con người một cách tự nhiên hơn.

 Hoạt động nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NTCC

Hoạt động nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NTCC

Mức học phí bao nhiêu?

Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay và những năm tới, ngành thiết kế vi mạch được xem là ngành hot, ngành trọng điểm ở nhiều cơ sở đào tạo.

Với đặc thù phát triển như vậy khiến học phí của ngành học này cũng ở mức khá cao và khác nhau ở mỗi trường.

Như tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), thiết kế vi mạch thuộc nhóm ngành điện – điện tử - viễn thông – tự động hóa. Học phí là 859.000 đồng/tín chỉ, học phí trung bình năm học 2024-2025 là 29 triệu đồng/năm học đối với chương trình chuẩn.

Còn với Trường ĐH Công nghệ thông tin, ngành thiết kế vi mạch có học phí 32,8 triệu đồng/năm học.

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nhóm ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông – thiết kế vi mạch có học phí 31 triệu đồng/năm học, mỗi năm sau học phí tăng khoảng 12%.

Hay như với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường bắt đầu đào tạo chương trình đào tạo thiết kế vi mạch thuộc ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông từ năm nay.

Sinh viên theo học trong 4 năm với 150 tín chỉ. Đây là ngành thuộc nhóm ngành đặc thù của trường nên học phí là 16,3 triệu đồng/học kỳ, tương đương 869.000 đồng/tín chỉ.

Với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch thuộc ngành kỹ thuật máy tính. Học phí là 33,5 triệu đồng/năm học.

Còn ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch và AI, thuộc ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Học phí khoảng 500.000 đồng/tín chỉ.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, chuyên ngành thiết kế vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Học phí khóa đầu tiên tuyển sinh năm 2024 là 531.000 đồng/tín chỉ.

Ngoài ra, ngành học này cũng được bắt đầu đào tạo tại một số trường ngoài công lập ở TP.HCM và có học phí khá cao.

Cụ thể như tại Trường ĐH FPT, năm nay, trường công bố tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Để thu hút sinh viên, trường cấp học bổng cho hai học kỳ chuyên ngành đầu tiên từ 50% đến 100% học phí chương trình học cho tất cả các thí sinh.

Theo trường, chương trình đào tạo gồm 9 học kỳ, mỗi học kỳ 4 tháng. Học phí chuyên ngành từ hơn 28 đến 32,5 triệu đồng/học kỳ.

Cạnh đó, sinh viên còn phải đóng học phí chương trình dự bị tiếng Anh với gần 12 triệu đồng/mức (theo mức năng lực tiếng Anh). Tân sinh viên còn phải đóng gần 12 triệu đồng cho học phí kỳ định hướng.

Đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực bán dẫn trình độ ĐH trở lên

Theo Quyết định 1017/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa bốn phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia.

Đồng thời, sẽ có 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở ba miền Bắc, Trung và Nam dự kiến sẽ được đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, có ba trường tại TP.HCM là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-hot-ve-thiet-ke-vi-mach-hoc-phi-ra-sao-post812385.html