Ngành khoa học và công nghệ: 35 năm đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), cũng như các đơn vị khác, ngành Khoa học và công nghệ Phú Yên bắt tay xây dựng bộ máy, tổ chức công tác quản lý nhà nước, đến xúc tiến các hoạt động khoa học và công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ (bìa trái) và lãnh đạo Sở KH&CN tham quan các sản phẩm KH-CN. Ảnh: VĂN TÀI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ (bìa trái) và lãnh đạo Sở KH&CN tham quan các sản phẩm KH-CN. Ảnh: VĂN TÀI

Vượt qua khó khăn, trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhiều lần sáp nhập, đổi tên nhưng với sự đồng lòng, vượt qua khó khăn bằng tinh thần lao động sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà…

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý nhà nước về KH&CN… được tăng cường. Cùng với sự tham gia của đông đảo đội ngũ trí thức trong toàn tỉnh và sự cộng tác của các nhà khoa học trong nước, hoạt động KH&CN Phú Yên ngày càng chuyển biến tích cực.

Từ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn, công nghệ trong công nghiệp, bảo vệ môi trường… cho đến các hoạt động quản lý về đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng sâu rộng trên các mặt đời sống xã hội.

Xây dựng và phát triển

Ngày 12/7/1989, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định 111/QĐ-UB về việc thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Sau nhiều lần đổi tên từ Ban Khoa học và Kỹ thuật thành Sở Khoa học công nghệ và Môi trường vào năm 1993; từ năm 2003 đến nay là Sở KH&CN.

Trải qua 35 năm, nhiều lần sáp nhập, đổi tên, chia tách, nhưng ở thời kỳ nào, ngành KH&CN Phú Yên cũng là động lực to lớn thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Hoạt động KH&CN tập trung giải quyết những vấn đề có tính chiến lược, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH ở từng giai đoạn, như: Đổi mới công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, sản xuất kinh doanh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; hướng các hoạt động KH&CN vào sản xuất, kinh doanh; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp...

Đặc biệt, từ năm 2010, việc triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, nhiệm vụ KH&CN cấp huyện tập trung thực hiện các dự án ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN nên hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án rất cao, công tác nghiên cứu khoa học tập trung nhiều nguồn lực.

Đến nay, ngành đã triển khai các nhiệm vụ KH&CN giải quyết những vấn đề cấp thiết trong sản xuất, đời sống của địa phương. Điển hình, trong lĩnh vực nông nghiệp có các đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ KH-CN nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm; Nghiên cứu quy trình nhân giống invitro và bảo tồn loài dược liệu quý, cây cam thảo Đá Bia và trà Mã Dọ; Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp Phú Yên; Số hóa cơ sở dữ liệu vùng trồng làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Trong lĩnh vực y tế, đến nay đã thực hiện và chuyển giao 2 kỹ thuật phẫu thuật cột sống và đặt stent mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên; triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình y tế thông minh, sử dụng bệnh án điện tử; nghiên cứu 2 sản phẩm thuốc tương đương điều trị là Pimenem (500m và 1g); Maxapin (1g và 2g)…

Bên cạnh đó, các đề tài khoa học, xã hội nhân văn cũng được quan tâm triển khai, như: nghiên cứu biên soạn Địa chí Phú Yên; Nhân vật chí Phú Yên; Tiến sĩ Phú Yên; Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài, thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát triển âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số bản địa tỉnh Phú Yên (Ê Đê, Chăm, Ba Na); Thực trạng thể lực, tầm vóc lứa tuổi 18 tỉnh Phú Yên và một số yếu tố liên quan…

Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Phú Yên, thời gian qua, Sở KH&CN đã nỗ lực hoàn thành một số chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra, như: Tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 4-5 người/vạn dân; xây dựng 6 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH&CN trên 6 lĩnh vực; tỉ lệ đóng góp của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp ước đạt 37,8%; 100% kết quả các nhiệm vụ, đề tài KH&CN đưa vào ứng dụng trong sản xuất đời sống; xây dựng chương trình chuyển đổi số, kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Yên phiên bản 2.3; tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN đạt mức 0,55%…

Tiếp tục tiên phong

Những thành tựu KH&CN trong thời gian qua là xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh về KT-XH của tỉnh, sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hưởng ứng rộng rãi trong xã hội. Song song đó, đội ngũ cán bộ KH&CN trong tỉnh đã có sự phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành một bước về trình độ để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí ngày càng cao, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ KH&CN, hợp lý hóa trong sản xuất của Nhân dân ngày càng rộng rãi… Đây chính là nền tảng quan trọng làm cho ngành KH&CN Phú Yên không ngừng phát triển.

Với mục tiêu “tiên phong, đi tắt, đón đầu”, mục tiêu mà ngành KH&CN Phú Yên đặt ra trong thời gian đến là tiếp tục hoàn thành Kế hoạch 209 của UBND tỉnh và Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH tỉnh, gắn với Quy hoạch tỉnh Phú Yên.

Trong đó, ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu đổi mới cơ chế chính sách; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN, an toàn bức xạ hạt nhân; rà soát, tháo gỡ khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, ngành KH&CN Phú Yên tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN theo hướng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng, phát triển nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, Sở KH&CN tăng cường hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, doanh nghiệp; triển khai chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh...

Qua đó từng bước nâng cao đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức KH&CN…

Từ đây đến năm 2025 nâng tỉ lệ đóng góp của ngành KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua yếu tố năng suất tổng hợp đạt hơn 35% và tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng chuỗi giá trị công nghiệp. Đồng thời phấn đấu 90% nhiệm vụ KH&CN được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

ThS DƯƠNG BÌNH PHÚ

Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/435/318005/nganh-khoa-hoc-va-cong-nghe--35-nam-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tinh.html